Mấy tháng gần đây, các thương lái Trung Quốc lùng sục khắp nơi để mua quả mây rừng với giá ngày càng cao nên người dân kéo nhau vào rừng tìm hái về bán. Việc khai thác quá mức làm nguy cơ mất nguồn giống rất dễ xảy ra.

 


Bà Trần Thị Mười, chủ một điểm thu mua tại thị xã Ninh Hòa cho biết: “Mấy tháng trước, sau khi thu mua từ người dân, tôi phải thuê nhân công phơi khô, tách vỏ lấy hạt rồi bán lại cho các thương lái ở ngoài Bắc. Giờ đây, các thương lái Trung Quốc sang đặt hàng trực tiếp, mây để nguyên cả chùm, tôi mua được bao nhiêu là họ gom hết, không cần lột vỏ”.

Bình thường, các quả mây được thu mua chủ yếu là mây chín và có đường kính từ 1cm trở lên. Song kể từ khi mây “sốt” giá, xanh chín gì người dân cũng hái, nhiều chùm mây còn nhỏ, chưa đủ kích cỡ họ cũng cắt về bán. Để có thể hái mây nhanh, nhiều người đã chặt phá mây không thương tiếc. Ông Huỳnh Văn Lượm (một người chuyên đi hái mây rừng ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) cho hay: “Thời gian trước còn ít người vào rừng, giờ giá mây cao nên nhiều người hái lắm. Bây giờ, mỗi ngày may mắn hái được vài kg là trúng lớn rồi”.

Tuy quả mây rừng được mua với giá cao, nhưng khi được hỏi mua để làm gì thì không mấy ai biết. Theo bà Mười, quả mây sau khi được các chủ vựa gom về, các thương lái sẽ mua lại và bán sang Trung Quốc. “Họ đặt hàng thì tôi thu gom của bà con để kiếm lãi, còn hạt mây bán sang Trung Quốc làm gì thì tôi không biết. Các tháng trước, trung bình mỗi ngày tôi thu mua được gần 1 tấn để chuyển đi, nay chỉ được vài chục kg” - bà Mười nói.

Nguy cơ mất nguồn giống

Tìm hiểu thông tin từ các thương lái Trung Quốc, chúng tôi được biết, quả mây được đưa sang bên kia biên giới để phục vụ làm đồ mỹ nghệ. Trong đó, chủ yếu được mài nhẵn, đánh bóng để kết thành các tràng hạt. Sau khi các đầu nậu người Việt thu mua, các thương lái Trung Quốc sẽ đến thu gom lại với giá từ 360.000 - 380.000 đồng/kg tùy theo chất lượng hạt. Cũng theo các thương lái này, sản phẩm làm từ quả mây có độ dẻo cao, khó vỡ... nên người Trung Quốc sử dụng làm vòng đeo tay và một số sản phẩm nội thất khác. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý, không biết những sản phẩm mỹ nghệ được làm từ quả mây sẽ có giá trị như thế nào, so với mức giá thu mua rất cao.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các mặt hàng lâm sản được đưa đi Trung Quốc “sốt” giá. Nhưng với thực tế khai thác quả mây quá mức như hiện nay, nguy cơ mất nguồn giống rất dễ xảy ra. Lâu nay, cây mây là nguồn nguyên liệu chính của các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trong tỉnh. Với việc thu hái ồ ạt như hiện nay, liệu vài năm tới chúng ta có còn đủ cây mây cung cấp cho các cơ sở này? Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Tất cả những lâm sản ở trong rừng, nếu muốn khai thác đều phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Do đó, những trường hợp khai thác quả mây cũng như mua bán loại lâm sản này nếu không có giấy phép đều sai luật”.

Hiện lực lượng Kiểm lâm ở những khu vực nhiều mây rừng đã có phương án tổ chức tuyên truyền để tránh việc người dân vào rừng ồ ạt tìm quả mây làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

 

Theo Báo Khánh Hòa

.