Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may vừa diễn ra tại Trung tâm triển lãm quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) từ ngày 29-10 đến 1-11 trưng bày máy móc, nguyên phụ liệu cho ngành may mặc. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm dệt may khá lớn nhưng máy móc, nguyên phụ liệu đa số phải nhập khẩu.

 

Ngoài máy móc thì các nguyên phụ liệu để sản xuất của ngành dệt may cũng phải nhập khẩu từ 60-90%, có những đơn hàng các doanh nghiệp may Việt Nam phải nhập khẩu đến 100%.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai, cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, nguyên phụ liệu sản xuất trong nước cho dệt may tăng, có một số đơn hàng chỉ phải nhập khẩu khoảng 60%, song cũng có những đơn hàng phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đến 100%. Nói là nguyên phụ liệu sản xuất trong nước nhưng đa số của các doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam”. Theo ông Kích, công ty luôn ưu tiên mua nguyên liệu sản xuất trong nước từ những doanh nghiệp Việt Nam với yêu cầu hàng đảm bảo chất lượng dù giá cao hơn một chút so với nguyên liệu nhập khẩu. Gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và họ được thị trường đón nhận.

Chị Lưu Thị Định, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Tân Mỹ (Hà Nội), cho hay: “Gần 2 năm nay, công ty sản xuất được nhiều loại mực in trên tất cả các loại vải và được thị trường đón nhận khá nồng nhiệt. Ngoài bán trong nước, công ty còn xuất khẩu sang thị trường Nam Phi và một số nước khác. Song song với bán mực in vải, công ty thiết kế nhiều mẫu hình in trên vải để tư vấn và chuyển giao cho những doanh nghiệp có nhu cầu”. Mực in vải mang thương hiệu Việt Nam này được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng. Đặc biệt, giá bán các loại mực in vải của công ty chỉ bằng 1/2 mực nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản trong khi chất lượng không thua kém.

 

Theo Báo Đồng Nai

.