Việt Nam có gần 1.000 nông sản nổi tiếng, từ rau củ quả đến nước mắm, gạo… nhưng tỷ lệ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý lại rất khiêm tốn. Sẽ còn thêm nhiều nông sản Việt ra thế giới, nhưng nếu không lo “làm chuồng” sớm thì việc mất thương hiệu chỉ là sớm hay muộn mà thôi.


Ai thích cũng có thể “mượn tạm” thương hiệu

Nông sản Việt Nam được biết đến với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, bưởi Phúc Trạch, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên… nhưng cho đến nay, đa số thương hiệu vẫn bị thả nổi theo kiểu ai dùng cũng được.
Thống kê mới của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cho thấy, Việt Nam có tới 933 sản phẩm, dịch vụ đặc thù gắn với 721 địa danh trên cả nước, trong đó có 800 sản phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, số lượng chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Năm 2001, Việt Nam có 2 sản phẩm đầu tiên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tính đến 31-8-2014, sau 13 năm, nước ta có 61 đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được nộp, trong đó 41 chỉ dẫn địa lý được cấp Giấy chứng nhận (38 của Việt Nam và 3 của nước ngoài). Nhưng, tất cả các sản phẩm được đăng ký bảo hộ trên chỉ có hiệu lực trong nước, nếu các doanh nghiệp nước ngoài ở bất kỳ quốc gia nào muốn “mượn tạm” đều có thể được.

Nhiều năm nay, trường hợp các nhãn hiệu Việt Nam rơi vào tay những công ty nước ngoài không ít, song dường như các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điển hình như năm 2000, cà phê Trung Nguyên – thương hiệu được đánh giá là nổi bật nhất của cà phê Việt Nam đã bị một công ty của Mỹ là Rice Field nhanh chân đăng ký trước tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO). Năm 2008, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đã bị Công ty TNHH Rừng Dừa đăng ký độc quyền nhãn hiệu tại Trung Quốc được 8 tháng. Nước mắm Phú Quốc bị một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1982. Mới đây, nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam do công ty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Trung Quốc) từng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã chính thức bị hủy bỏ sau gần 1 năm phía Việt Nam nộp đơn kiện.

Tăng giá trị nông sản nhờ bảo hộ

Ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ, việc chậm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một thiệt thòi. Song, cũng phải nhìn nhận là các sản phẩm của chúng ta thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, đối tác nước ngoài. Khi doanh nghiệp nước ngoài mua nông sản của Việt Nam về chế biến lại, đóng bao gói, dán mác khác thì giá bán cao hơn. Đơn cử như gạo của nước ta chỉ được bán với giá 410 USD/tấn nhưng khi doanh nghiệp nước ngoài chế biến, đóng gói, dán nhãn khác bán được giá 1.200 USD/tấn.

Tại EU, các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý chiếm hàng tỷ Euro trong thương mại và xuất khẩu. Trên thế giới có khoảng 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, trung bình giá trị tạo ra ở nơi xuất xứ sản phẩm chỉ dưới 10%, trên 65% giá trị nằm ở công đoạn chế biến, phân phối tại các thị trường tiêu thụ. Còn Việt Nam mới có nước mắm Phú Quốc được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ chú trọng tới số lượng xuất khẩu, chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Từ đó xuất khẩu nông sản của Việt Nam chỉ được xuất dưới dạng thô, lợi ích kinh tế rất thấp dù sản lượng lớn, chất lượng cao. Trong khi đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp lại kém, các địa phương và Bộ, ngành lại thiếu quan tâm đến chỉ dẫn địa lý đã khiến nhiều đặc sản nước ta bị doanh nghiệp nước ngoài nhái, “mượn” công khai.

Việc không đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, nguyên nhân đầu tiên do chúng ta chưa nộp đơn, hồ sơ đăng ký. Chính quyền địa phương và các hiệp hội cũng chưa quan tâm đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Một số địa phương đã tiến hành đăng ký bảo hộ ra nước ngoài nhưng chưa thành công do không hiểu rõ về quy định, yêu cầu của nước ngoài.
 

Theo ANTĐ

.