Đặt phòng trên mạng thông qua các web trực tuyến giá thường rẻ nhiều so với đặt trực tiếp khách sạn. Song, loại hình đặt phòng này cũng tồn tại không ít rủi ro, nếu không cẩn thận có thể bị “chặt chém”, rẻ chẳng còn rẻ mà mang bực vào mình.

 

Chị Quỳnh Anh, chuyên viên cao cấp một khách sạn tại Hà Nội, cho hay, bên cạnh nhận khách đặt trực tiếp, khách sạn còn mở rộng thêm các kênh đặt phòng trên các trang web trực tuyến. Đây là công cụ vừa mở rộng kinh doanh và marketing hình ảnh cho khách sạn.

Nhân viên khách sạn này cũng thừa nhận, các con số giảm giá trên web cũng không hề nhiều. Dù quảng cáo ưu đãi về giá nhưng khách đặt phòng qua website booking thường không được ưu ái so với khách đặt phòng trực tiếp và không được đàm phán để lấy phòng tốt.

Không ít khách du lịch còn phàn nàn trên mạng xã hội về tình trạng đặt phòng qua các trang web trực tuyến thường bị xếp các loại phòng kém chất lượng, không có cửa sổ,... chính vì thế, mức giá đặt phòng không hề rẻ chút nào. Bên cạnh đó, khách hàng còn phải thanh toán trước và sẽ bị tính phí khi hủy phòng. Các khiếu nại về giá phòng, kết thúc chuyến đi sớm hơn so với dự định cũng sẽ giải quyết rất lâu.

Kinh nghiệm được anh Đức, một dân phượt chuyên nghiệp đưa ra là khi đặt phòng trực tuyến nên đặt sớm sẽ có nhiều ưu đãi. Đặt phòng sớm khoảng 30-60 ngày là lý tưởng để chọn được phòng nghỉ giá rẻ và chất lượng tốt.

Tuy nhiên, người đặt cần tìm hiểu kỹ về thông tin giá trên web trực tuyến với giá của khách sạn có khác biệt nhiều không và kèm theo những điều khoản gì khi đặt phòng trực tuyến. Nếu đặt phòng khách sạn trong nước thì tốt nhất hãy đặt trên các website uy tín trong nước thay vì đặt trên các web nước ngoài. Bởi vì khi có bất cứ phát sinh gì, bạn có thể dễ dàng liên lạc, trao đổi, thương lượng.

Ngoài ra, anh Đức cũng lưu ý thêm, hình ảnh trên các web thường là chỉ mang tính minh họa, thực tế bên ngoài nhiều khi khác hoàn toàn.

 

Theo Vef

.