Dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng miếng với điểm nhấn có thể chỉ cho phép người dân giữ vàng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thực hiện “một chiều” mua lại đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Không cho phép kinh doanh vàng miếng liệu có làm nảy sinh nhiều bất cập? Tại hội thảo khoa học “Thị trường vàng Việt Nam - Những vấn đề đặt ra” (Hiệp hội ngân hàng phối hợp với VietinBank tổ chức ngày 15-3), các chuyên gia lên tiếng.

 

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Cty kinh doanh vàng ngân hàng Agribank tiên liệu: “Nhu cầu mua bán vàng của người dân là có thật. Cấm giao dịch vàng miếng chỉ càng tạo điều kiện cho giao dịch ngầm”.

 

Ông Trúc kể, nông dân vùng ĐBSCL sau thu hoạch đều mua vàng, năm nào sau mùa thu hoạch nào, công ty cũng phải chở vàng vào đáp ứng. Đối với huy động vàng, ngay cả khi lãi suất chỉ bằng 0,5%/năm nhưng có thời điểm người dân gửi vào ngân hàng Agribank 4000 lượng vàng chỉ trong một ngày.

 

Ông Phí Đăng Minh, nguyên Vụ phó Vụ Ngoại hối NHNN dẫn chứng: “Trong 10 năm từ 2000 đến 2010, đồng đô la Mỹ mất giá 37,5% trong khi vàng lên giá 464%. Cả thế giới đang sốt vì vàng và nhu cầu về vàng đang tiếp tục tăng. Sau biến cố của Nhật Bản, nhu cầu về vàng sẽ càng tăng. Vậy ta phải ứng xử thế nào? Tôi cho rằng vàng phải là đối tượng nhà nước quản lý chặt chẽ, không khuyến khích phát triển nhưng cũng không thể cấm”- Ông Minh khẳng định.

 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, đã từ lâu vàng ở Việt Nam có vai trò quan trọng vì đất nước từng trải qua chiến tranh, muốn an toàn thì giữ vàng. An sinh xã hội chưa tốt nên người dân vẫn có thói quen tích trữ vàng để lo cho tuổi già. Hơn nữa, khả năng chuyển đổi của đồng tiền chưa cao cũng là nguyên nhân khiến người dân tích trữ vàng. Do đó, dùng biện pháp cấm đoán thái quá, tịch thu nếu bán không đúng chỗ sẽ gây sốc.

 

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng ví thị trường vàng như một sơ đồ chưa hoàn chỉnh do còn thiếu các điểm nối giữa vàng- ngân hàng - sàn giao dịch để trở nên thông suốt. “Nếu chỉ được mua bán vàng trang sức, người dân sẽ bị thiệt vì vàng không tiêu chuẩn, không gửi được tiết kiệm. Chỉ nên thu hẹp các tổ chức kinh doanh vàng thay vì cấm.”- Bà Hương đề xuất.

 

Thay vì mệnh lệnh hoặc cấm, nên tạo cho thị trường vàng một sự liên thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng dẫn chứng: Nghị định kinh doanh vàng ra đời năm 1999, sau 12 năm đã lỗi thời nhiều so với sự phát triển của thị trường. Chưa kể năm 2007, khi các sàn vàng ra đời, Chính phủ giao NHNN lập quy chế quản lý, nhưng ba năm nay vẫn chưa ra được, buộc phải tạm thời cấm.

 

Hiện tại, Bộ Công Thương và NHNN đang “nhìn nhau”, chưa xác định được cơ quan nào có vai trò quản lý chính, điều hành thị trường theo cảm tính, cho xuất khẩu được xuất khẩu, cho nhập khẩu mới được nhập khẩu. Chính sách đối với thị trường vàng cần thông thoáng, minh bạch, ổn định để người dân tin tưởng.

 

Khánh Huyền (TP)