(BVPL) - Đánh giá việc ách tắc hàng ngàn xe chở dưa hấu xuất sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) những ngày vừa qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, đây là chuyện tiêu thụ nông sản của bà con nông dân. Tuy nhiên, năm nay vấn đề trở nên “nóng hơn”.

 


Nguyên nhân, theo ông Hải, mặt hàng dưa hấu vừa mới được đưa vào diện xuất khẩu do loại quả này cho năng suất, thu hoạch cao. Qua vài vụ dưa hấu bán được giá cao sang Trung Quốc nên nông dân mở rộng trồng ồ ạt, diện tích trồng tăng nhanh. Do không có sự điều tiết nên sản lượng tăng đột biến, tiêu thụ trong nước lại hạn chế, trong khi đó, nghe nói bán ở Trung Quốc được giá hơn nên người dân ồ ạt đem lên biên giới.

Thêm vào đó, chính sách quản lý thương mại biên giới ở Trung Quốc là thương nhân Trung Quốc chỉ nhận hàng ở cửa khẩu Tân Thanh, điều này đã làm hạn chế việc vận chuyển và dẫn tới việc ùn tắc.

“Ngay khi sự việc xảy ra, Bộ Công thương đã phối hợp với địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chỉ đạo ngay tại chỗ. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng này là do khâu quản lý lỏng lẻo”- ông Hải bày tỏ. Ông cũng cho biết thêm, Bộ đã thông báo với Đại sứ quán Trung Quốc để tạo điều kiện thông thoáng cho bà con đưa dưa hấu sang. Cụ thể, thống nhất kéo dài thời gian làm việc tới 9-10 giờ tối để thông quan nhanh. Cử người tăng cường lên Lạng Sơn để cấp giấy xuất xứ cho nông dân nhanh nhất. Phối hợp với Bộ đội biên phòng, Hải quan đẩy nhanh thông quan.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là giải pháp không chỉ riêng với dưa hấu mà rộng ra là với tất cả các loại nông sản xuất khẩu nói chung. Đó là cần có giải pháp tiêu thụ nông sản, tránh ách tắc như thời gian qua. Theo ông Trần Thanh Hải, thời gian tới phải có giải pháp đón đầu, đó là thông tin tuyên truyền đầy đủ cho bà con nông dân. Ví dụ: việc Trung Quốc chỉ mua dưa hấu loại 1, loại 2, nên nếu có sự phân loại trước thì sẽ đỡ tốn chi phí cho bà con.

Ngoài ra, cần nâng cao khả năng dự trữ, tạo điều kiện cho việc ứng phó và điều tiết trước những biến động về giá trên thị trường thế giới, cần chú trọng hơn nữa về chất lượng sản phẩm để tăng giá trị các nhóm hàng sản xuất truyền thống không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng cũng như nâng cao được khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, đối với mặt hàng gạo, tiếp tục nghiên cứu, triển khai hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, tích cực tìm kiếm các thị trường tiềm năng, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này.

Tiếp tục triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường. Phối hợp các Hiệp hội, Bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng. Đồng thời, ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông – lâm, thủy sản.
 

Vĩnh Hoàng

.