Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường TPCN, tình trạng bát nháo về chất lượng, hỗn loạn về giá cả và nội dung quảng cáo của những sản phẩm này khiến cơ quan chức năng khó quản lý và kiểm soát. Bên cạnh đó, mức xử phạt về hành vi quảng cáo thực phẩm sai quy định còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến TPCN vẫn xuất hiện tràn lan, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
 
 
Hàng “đội giá” qua đa cấp
 
Thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam, hiện cả nước có gần 2.000 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với hơn 10.000 sản phẩm có mặt trong nước. Người tiêu dùng từ chỗ làm ngơ, thậm chí chưa từng nghe nói đến TPCN thì nay đã quen dùng và coi TPCN như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Nhận thấy TPCN là mảnh đất màu mỡ, nên hơn 90% số DN lâu nay đơn thuần chỉ sản xuất dược phẩm đã nhanh chóng tham gia vào hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh TPCN. Chính vì điều này đã khiến tình trạng sản xuất, nhập khẩu TPCN trở nên bát nháo. Đáng nói hơn, nhiều công ty còn thành lập cả hệ thống bán hàng đa cấp lôi kéo nhiều người tham gia, tạo nên những kênh phân phối bát nháo với hàng loạt các vụ lừa đảo đã được phát hiện trong thời gian gần đây.
 
Với hình thức đa cấp, các “đại lý” lôi kéo người khác bằng cách thổi phồng công hiệu sản phẩm có thể làm nở ngực, giảm cân nhanh, trị viêm gan B, ung thư... Trong khi đó, phần lớn các sản phẩm này chưa đưa ra được chứng cứ khoa học về thử nghiệm lâm sàng. Nhiều DN thông qua hình thức người bệnh viết thư cảm ơn hoặc truyền hình giới thiệu bệnh nhân đã khoẻ mạnh nhờ sử dụng loại “thần dược” này. Tuy nhiên, để xử phạt các công ty quảng cáo thổi phồng không dễ. Thực tế số sản phẩm TPCN, cũng như doanh nghiệp bị phát hiện, đình chỉ và xử lý vẫn còn rất khiêm tốn. 
 
Theo con số của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, mỗi năm, có khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo TPCN nhưng có tới 90% số hồ sơ có vấn đề và bị yêu cầu chỉnh sửa nội dung quảng cáo phải đúng như tác dụng của sản phẩm. Tất cả quảng cáo TPCN chữa khỏi bệnh này hay bệnh kia đều là không chính xác. Theo quy định việc giới thiệu, quảng cáo sản phẩm TPCN không đúng sự thật sẽ xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép và sản phẩm. 
 
Thạc sỹ Nguyễn Thanh Nga- chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh dược phẩm cho biết, hiện nay người tiêu dùng mới chỉ hiểu được 50% công dụng của các loại TPCN. TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh. Do vậy, bất cứ sản phẩm TPCN được quảng cáo để dùng trị bệnh là hoàn toàn sai, nên người tiêu dùng phải rất cảnh giác, cân nhắc trước khi sử dụng TPCN và cần được tư vấn bởi các nhà chuyên môn, thầy thuốc, bác sĩ. Cũng theo bà Nga, giá gốc của các sản phẩm TPCN có nguồn gốc từ Mỹ, Úc… không cao nhưng khi về đến Việt Nam, qua các khâu thuế và nhà phân phối, sản phẩm này đã “đội giá” lên tới hàng triệu đồng. Nếu một công ty nhập khẩu các loại TPCN không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc hàng Trung Quốc, rồi dán tem của những nước Anh, Mỹ, Úc thì lợi nhuận là vô cùng lớn.
 
Quản lý chặt quảng cáo
 
Theo quy định về việc hướng dẫn quản lý quảng cáo trong lĩnh vực y tế thì các cơ quan phát hành quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo những nội dung đã được thẩm định. Tuy nhiên, hiện nay, việc vi phạm vẫn xảy ra. Thực tế trong thời gian vừa qua, các cơ quan thanh tra của ngành y tế đã xử lý rất nhiều vụ vi phạm về quảng cáo nhưng chỉ xử lý được doanh nghiệp có TPCN, mà không thể xử lý các cơ quan phát hành quảng cáo, cho nên hình thức xử lý này chỉ là hình thức chạy theo vụ việc, rất khó ngăn chặn từ đầu. 
 
Đánh giá về tình trạng quảng cáo sản phẩm TPCN tràn lan hiện nay, luật sư Nguyễn Tiến Hoà- Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận xét, theo Luật Quảng cáo Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người có sản phẩm thực hiện việc quảng cáo. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định việc quảng cáo phải được thực hiện trên nguyên tắc chính xác, đúng tác dụng của sản phẩm, không được quảng cáo lừa dối, nói quá tác dụng… đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, vì đây là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng. 
 
Cũng theo luật sư Hoà, trong trường hợp người tiêu dùng nghi ngờ sản phẩm TPCN mà mình đang sử dụng có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ thì họ có thể đem mẫu TPCN đó đến Cục VSATTP - Bộ Y tế để được kiểm nghiệm, xác minh rõ thành phần. Nếu cơ quan này kết luận những thành phần có trong TPCN mà người tiêu dùng đang sử dụng gây hại cho sức khoẻ người sử dụng thì họ có thể gửi đơn khởi kiện đến toà án để được bồi thường và xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Do vậy, người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi sử dụng các loại TPCN đang lưu hành trên thị trường, không nên tin vào những lời quảng cáo của người bán. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng quảng cáo TPCN gian dối, sai sự thật, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. 
 
Theo Ngọc Bảo
ANTĐ