leftcenterrightdel
 Nhiều vụ việc vi phạm về xuất xứ đã được ngăn chặn thời gian qua.

Cụ thể, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 13/5/2025, tại một địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá thuộc khu vực cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), Tổ công tác thuộc Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 1) đã phối hợp với Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Chi cục Hải quan khu vực VIII) kiểm tra thực tế 1 lô hàng quá cảnh đi Campuchia. Lô hàng do Công ty X (tên doanh nghiệp viết tắt) đăng ký ngày 11/5/2025 tại Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Hàng hóa theo khai báo của doanh nghiệp gồm 11 mục hàng.

Theo kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá, đối với 11 mục hàng theo bảng kê doanh nghiệp xuất trình, chỉ có 2/11 mục hàng phù hợp với khai báo hải quan; 9/11 mục hàng còn lại có số lượng thực tế ít hơn so với lượng khai báo.

Ngoài ra, lực lượng Hải quan phát hiện 25 mục hàng hoá không có trong khai báo của doanh nghiệp. Trong đó có 01 mục hàng có gắn sẵn nhãn mác thể hiện dòng chữ “Made in Vietnam” và 3 mục hàng có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể gồm: 3.200 đôi dép sục nhựa có gắn nhãn hiệu Crocs (trên nhãn hàng hoá thể hiện dòng chữ “Made in Viet Nam”); 1.720 áo thun dài tay có gắn nhãn hiệu Chanel, Dior và Loewe (trên nhãn hàng hoá thể hiện dòng chữ “Made in Thailand”). Cơ quan Hải quan đang tiếp tục xác minh, làm rõ dấu hiệu vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định.

leftcenterrightdel
 Một vụ vi phạm được lực lượng chức năng phát hiện.

Trước đó, Tổ công tác thuộc Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 1) cũng đã phối hợp với Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Chi cục Hải quan khu vực VI) đã chặn đứng lô hàng quá cảnh từ Trung Quốc đi Lào qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có cất giấu gần 5.000 sản phẩm thời trang có nghi vấn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; trong đó có hơn 1.700 sản phẩm giầy, dép vừa nghi vấn vi phạm sở hữu trí tuệ, vừa có dán tem nhãn “Made in Viet Nam”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Việt Nam nếu hàng hoá đó không bị cơ quan hải quan phát hiện bắt giữ, được vận chuyển sang nước khác tiêu thụ.

Theo khai báo của doanh nghiệp, hàng hóa trong lô hàng gồm 35 mục hàng. Kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá cho thấy, đối với 35 mục hàng theo bảng kê doanh nghiệp xuất trình chỉ có 2/35 mục hàng phù hợp với khai báo hải quan. Trong số 33/35 mục hàng còn lai có: 11 mục hàng khai thừa hoặc thiếu số lượng so với thực tế hàng hoá; 1 mục hàng không rõ nhãn hiệu và xuất xứ hàng hoá; 16 mục hàng không có hàng hoá thực tế; 5 mục hàng khai sai nhãn hiệu và tên hàng.

Cơ quan Hải quan còn phát hiện 91 mục hàng không có trong khai báo hải quan, trong đó có 23 mục hàng (trên 5.000 sản phẩm dép, giày, áo thể thao, tất, dây thắt lưng, túi, đồng hồ,…) nghi vấn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đáng chú ý, trong số hàng hoá không khai báo hải quan nêu trên, có gần 2.000 sản phẩm (trong đó có gần 1.700 sản phẩm giày, dép nghi vấn vi phạm sở hữu trí tuệ) đã dán sẵn tem nhãn “Made in Viet Nam”. Vụ việc đang trong quá trình xác minh, làm rõ vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định.

Ngày 10/05/2025, tại địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc khu vực Cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn, Tổ công tác thuộc Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Đội 1) đã phối hợp với Hải quan cửa khẩu Chi Ma (Hải quan khu vực VI) kiểm tra thực tế 1 lô hàng nhập khẩu theo loại hình E31 (nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu) của 1 doanh nghiệp có trụ sở đăng ký kinh doanh tại Hà Nội có nghi vấn vi phạm về khai báo hải quan.

Theo đó, hàng hoá theo khai báo gồm 57 mục hàng. Kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá đã phát hiện trên bao bì hàng hoá của 53/57 mục hàng có dán tem thể hiện thông tin: tên hàng, tên của nhà sản xuất và các thông số kỹ thuật của hàng hoá, nhưng không thể hiện xuất xứ hàng hoá. Tại thời điểm kiểm tra, không có tài liệu kèm theo hàng hoá.

Cơ quan Hải quan đã đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp và buộc đưa toàn bộ hàng hóa vi phạm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Nguyễn Anh