Lãng phí lớn ở Nhà máy đường Linh Cảm
Cập nhật lúc 16:10, Thứ hai, 10/09/2018 (GMT+7)
Nhà máy đường Linh Cảm (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ) từng được xem là dự án lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Dự án này được đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ những năm 1996. Thế nhưng, do quy hoạch nguồn nguyên liệu không sát thực tế cùng nhiều vấn đề liên quan đến môi trường nên chủ đầu tư phải chuyển hướng đầu tư vào Trà Vinh. Sau hơn 10 năm, phế tích của Nhà máy này vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây.
Nằm tại trung tâm xã Tùng Ảnh, Nhà máy đường Linh Cảm, công trình từng là niềm tự hào của người dân nơi đây nay trở nên cũ nát, xuống cấp trầm trọng do để hoang suốt nhiều năm.
Từ năm 1996, Tổng Công ty mía đường I đã đầu tư xây dựng Nhà máy với số vốn lên đến 122 tỷ đồng. Thế nhưng, dù công suất thiết kế là 1000 tấn nguyên liệu/ngày, song thực tế những năm đầu tiên đi vào hoạt động, Nhà máy chỉ hoạt động được 15% công suất, năm thứ hai được 10% công suất và năm thứ 3 chạy được vài ngày rồi phải dừng hoạt động vì không có nguồn nguyên liệu. Thời điểm đó, nhiều người còn nói vui: Nguyên liệu cả vùng này gom trong vòng 1 năm chỉ đủ cho Nhà máy làm trong 1 tháng. Chính vì thế, những năm sau đó, Nhà máy gần như không hoạt động, các hạng mục cũng dở dang và kéo theo một khoản nợ khổng lồ khiến chủ đầu tư quyết định “bỏ chạy” vào Trà Vinh.
|
|
Phế tích Nhà máy đường Linh Cảm. Ảnh: PV |
Rũ bỏ Nhà máy ở mảnh đất Tùng Ảnh, Tổng Công ty mía đường (thuộc Bộ NN&PTNT) đã để lại nơi đây một đống phế tích mà đến nay vẫn chưa có phương án xử lý. Dự án cũng khiến nhiều người dân điêu đứng vì họ đã đầu tư tiền của để làm vùng nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy nhưng rồi bị phá sản mà không biết kêu ai. Nhưng cái mất nhiều hơn là 5ha đất sản xuất bị thu hồi cho một dự án không mang lại hiệu quả, trong khi đất để thâm canh ngày càng ít đi.
Ông Phan Tiến Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho biết: Nhà máy đường Linh Cảm đi vào hoạt động được 2 năm thì dừng vì ở đây không có vùng nguyên liệu. Một nhà máy xây dựng với công suất lớn mà đóng trên địa bàn có nguồn nguyên liệu chỉ đáp ứng được phần nhỏ thì đóng cửa là điều hiển nhiên. Hơn nữa, khi Nhà máy đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Vì thế, chủ đầu tư buộc phải chuyển hướng đầu tư vào Trà Vinh. Sau gần 10 năm thì có Công ty gỗ Phượng Nguyên Bắc miền Trung thuê lại. Tuy nhiên, công ty này cũng không sử dụng hết được diện tích Nhà máy nên gây lãng phí rất lớn.
Theo ông Dũng, việc Nhà máy đường phá sản đã để lại những tàn dư mà đến nay chưa được xử lý. Vừa lãng phí đất đai trong khi địa phương thì mất nguồn thu.
Tùng Ảnh đang là xã thí điểm nông thôn mới kiểu mẫu với 20 tiêu chí cần được hoàn thành. Nhiều đoàn của nhiều địa phương đã đến tham quan, học tập mô hình của xã này. Tuy nhiên, tại đây vẫn sừng sững phế tích Nhà máy đường Linh Cảm nằm phơi mưa, phơi nắng mà không biết đến khi nào mới được giải quyết?
Hoài Thu