An Nhơn được xem là “đất trăm nghề”. Tháng Chạp cũng là lúc nhiều làng nghề ở đây “tăng hết công suất” để làm hàng tết. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã ghi nhận không khí lao động nhộn nhịp, hối hả ở các làng nghề làm bánh tráng, bún song thằn, khảm xà cừ tại thị xã An Nhơn trong những ngày giữa tháng Chạp này.

 


Tết sớm ở làng cẩn xà cừ Cẩm Văn

Làng cẩn xà cừ Cẩm Văn là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của An Nhơn. Hiện ở đây có 10 cơ sở sản xuất với hơn 40 nghệ nhân, phần đông tuổi đời còn rất trẻ. Sản phẩm của làng nghề không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà nhiều người ở các địa phương khác như: Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và nhiều Việt kiều cũng tìm đến đặt hàng.

Từ đầu tháng Chạp trở đi, làng nghề tất bật hơn ngày thường; sản phẩm bày bán cũng nhiều hơn; kiểu dáng, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn; bên cạnh đó là những nghệ nhân miệt mài với công việc để kịp giao hàng cho khách. Anh Trần Văn Hà, một nghệ nhân có thâm niên trong làng cẩn xà cừ Cẩm Văn, chia sẻ: Hiện cơ sở của tôi có gần 10 nhân công, nhưng làm không kịp, phải tranh thủ làm ngay cả canh trưa lẫn ban đêm để đáp ứng nhu cầu hàng tết. Hơn 1 tháng nay tôi phải tăng cường thêm nhân công làm phụ những công đoạn đơn giản. Các sản phẩm của làng nghề đang được tiêu thụ mạnh như: Hoành phi, câu đối, tủ thờ, án thờ, bình phong tam sơn…

Hầu hết người dân làng nghề cẩn xà cừ Cẩm Văn đều tâm niệm rằng: Để làng nghề tồn tại và phát triển, mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải thật đẹp, mang tính mỹ thuật cao và thật chất lượng. Do vậy, mỗi nghệ nhân ở đây không vì lợi nhuận cao mà đánh mất “bản sắc” truyền thống của làng nghề; họ đã và đang tiếp tục tìm mọi cách để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với người tiêu dùng.

 

Theo Báo Bình Định

.