Gần Tết, nhu cầu mua sắm thực phẩm của người dân tăng cao, nhất là các mặt hàng như bánh mứt, nem chả… Những ngày này, về các làng bánh mứt không khí khá nhộn nhịp, tất cả đều tất bật để cho ra các sản phẩm phục vụ Tết.
Từng có thâm niên trên 30 năm làm mứt gừng, bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Cứ độ 20 tháng 11 âm lịch là tôi lại làm mứt gừng để bán Tết. Mứt gừng của mình làm theo cách truyền thống từ hồi giờ, đảm bảo chất lượng nên bạn hàng rất thích. So với mọi năm thì giá gừng củ năm nay nằm ở mức 16.000 đồng/kg, cũng là tương đối, nên sau khi thành phẩm sẽ được bỏ sỉ giá 40.000 đồng/kg”.
|
Các lò làm mứt gừng trong tỉnh tất bật vào vụ Tết. |
Theo các hộ dân làm mứt gừng, để tạo ra được một mẻ mứt gừng khô giòn, thơm ngon phải rất công phu và qua nhiều công đoạn. Gừng tươi mua về rửa sạch, cạo vỏ, rồi bào mỏng, sau đó luộc qua và xả nhiều lần với nước cho bớt vị cay. Tiếp đến là ướp đường, rim cho đến khi mứt khô. Sau khoảng 3 giờ rim trên lửa than mới xong một mẻ mứt. Trong những công đoạn làm mứt, rim mứt là công đoạn khó nhất, vì nếu không quen tay, mứt sẽ không khô hoặc bị cháy. Nghề này công phu và gồm nhiều khâu, lại chỉ tập trung trong khoảng một tháng, nên hầu như các hộ làm mứt đều phải thuê thêm người mới làm kịp Tết.
Tuy làm trong một thời gian ngắn, nhưng nghề làm mứt gừng đã góp phần giúp nhiều hộ có thu nhập cao và đặc biệt là gìn giữ nét văn hóa ngày Tết. Vừa bưng mẻ gừng thơm ngát mới ra lò, chị Nguyễn Thị Minh Tâm, người nổi tiếng làm mứt gừng ngon, đẹp ở thôn 2, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Để làm mứt cho thị trường Tết, chúng tôi phải chuẩn bị nguyên liệu từ giữa tháng 11 âm lịch. Vào vụ Tết, mỗi ngày gia đình tôi cung ứng ra thị trường 3 - 4 tạ mứt thành phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho trên 20 lao động tại địa phương với mức lương từ 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày tùy theo từng công đoạn”.
Tuy chưa chuẩn bị hàng Tết, nhưng thời điểm này các lò làm nem, chả trong tỉnh cũng đã tăng công suất để phục vụ cho nhu cầu đám cưới hỏi, chạp giỗ, tất niên và liên hoan cuối năm. Ông Nguyễn Quý, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) đã gắn bó với nghề làm nem, chả trên 20 năm chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng cuối tháng 11 âm lịch là nhu cầu về nem, chả lại tăng lên. Riêng những ngày giáp Tết, dù đã tăng năng suất lên gấp 3 – 4 lần, nhưng lò chả của gia đình luôn trong tình trạng cháy hàng”.
Mặc dù bán rất chạy, nhưng ông Quý vẫn không bỏ hàng ra các chợ. Bởi theo ông Qúy, đây là nghề truyền thống của gia đình nên mọi công đoạn chính từ xay thịt, ướp thịt đều do ông đảm nhận. Do đó, ông không thể chạy theo thị trường được, mà chỉ mang tính phục vụ là chính. Hầu hết khách hàng của ông đều là các mối quen và theo đơn đặt hàng của các nhà hàng trong tỉnh. Trung bình mỗi ngày ông cho ra lò khoảng 20kg chả bò, giò. Còn mấy ngày giáp Tết thì tăng lên 50 – 70kg chả các loại.
Bất cứ món ăn ngon nào cũng cần phải có nguyên liệu chất lượng. Đặc biệt là các món hấp như chả thì chất lượng thịt là rất quan trọng. “Nhiều người đặt hàng đưa tiền trước, nhưng tôi vẫn không dám nhận, vì lo không có nguyên liệu tươi ngon thì sẽ không làm được chả. Bởi thường những ngày cận Tết, giá thịt thường tăng cao nên nếu không lựa chọn kỹ sẽ mua phải thịt “dỏm”. Do đó, thà mình chấp nhận thiếu chả bán, chứ kiên quyết không làm chả kém chất lượng”, ông Quý lý giải. Và cũng chính nhờ sự uy tín trên mà dù giá chả của ông Quý luôn cao hơn các lò chả khác từ 10.000 – 30.000 đồng/kg, nhưng nhiều người vẫn chọn mua.
Theo Báo Quảng Ngãi