leftcenterrightdel
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đọc lệnh bắt giữ Trịnh Thị Bích Trâm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Với “mác” cán bộ QLTT, Hà tạo dựng lòng tin với người thân, bạn bè, sau đó dùng thẻ “Kiểm tra thị trường” do Cục QLTT, Bộ Công thương cấp, để cầm cố thế chấp, vay tiền của nhiều người và “xù” nợ.

Một nạn nhân của Hà là anh Nguyễn H. B. (trú ở TP. Huế) trình bày: “Do có quen biết từ trước và tin tưởng Hà là cán bộ thuộc Chi cục QLTT tỉnh nên từ cuối tháng 12/2015, tôi đã cho Hà vay mượn 100 triệu đồng. Mặc dù trong giấy mượn tiền có chữ ký của Hà và người này cam kết 30 ngày sau sẽ trả đủ số tiền, nhưng quá hạn vẫn không thấy Hà đến trả tiền.

Do nhiều lần gọi điện thoại không được, đến nhà và cơ quan tìm không thấy Hà, nên tôi buộc phải làm đơn trình báo cơ quan Công an”.

Thượng tá Võ Văn Sáu, Phó trưởng Công an TP. Huế cho biết, sau khi nhận được đơn trình báo của các nạn nhân, đơn vị xác lập chuyên án điều tra. Qua đó xác định, từ tháng 2/2015 đến thời điểm bị bắt, Hà vay mượn của 23 người, chiếm đoạt 1,950 tỷ đồng.

Công an TP. Huế đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức của đối tượng Hà. Tuy nhiên, do tài sản Hà chiếm đoạt có giá trị lớn nên đơn vị chuyển hồ sơ vụ án và tang vật cho Công an tỉnh thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

Thượng tá Đoàn Minh Hải, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thêm, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã điều tra, làm rõ nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, có nhiều vụ án có thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi, nhưng ngược lại, cũng có nhiều vụ án các bị hại bị lừa rất dễ dàng. Thậm chí nhiều người vì hám lợi trước mắt, sẵn sàng nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của các đối tượng để bỏ ra hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng cho vay mượn và kết cục sau đó là bị chiếm đoạt.

Điển hình như trường hợp đối tượng Trịnh Thị Bích Trâm (40 tuổi, trú tại kiệt 35 Phạm Thị Liên, phường Kim Long, TP. Huế). Lợi dụng sự quen biết và các mối quan hệ xã hội, Trâm cho biết đang cần vay khoản tiền lớn và trả lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng. Vì hám lợi  nên nhiều người đã cho Trâm vay từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng nhằm hưởng lãi suất chênh lệch.

Sau khi vay mượn được tiền, Trâm dùng chính số tiền này để trả lãi cho các nạn nhân và tiêu xài. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế làm rõ, trong thời gian 21 tháng, Trâm vay và chiếm đoạt của nhiều người tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Hay như trường hợp Phạm Văn Hoàng Dũng (23 tuổi, trú phường Tây Lộc, TP. Huế). Dũng lên mạng xã hội facebook đặt mua một bộ trang phục CAND với đầy đủ ve, hàm, biển tên rồi đăng tải khoe là bản thân có khả năng mua xe giá rẻ do Công an thanh lý và có thể làm hồ sơ cấp biển số xe đối với những xe không có nguồn gốc, xuất xứ.

Với thủ đoạn này, Dũng lừa đảo chị Lê Thị N. (23 tuổi, trú phường Kim Long, TP. Huế); anh Nguyễn Hoàng Nguyên (27 tuổi) và anh Lê Tân (20 tuổi, cùng trú ở TP. Huế) để chiếm đoạt hàng chục triệu đồng… Qua các vụ việc trên, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khuyến cáo đối với tất cả người dân, trong bất cứ trường hợp nào, không nên nhẹ dạ cả tin để rồi sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

C.Anh