Hơn 1 năm nay, nhiều nông dân ở huyện Tân Phú lại ồ ạt rủ nhau trồng cây dó bầu để cấy trầm với mong muốn đổi đời. Song, cây dó bầu thu được trầm phải mất từ 10-12 năm, đến lúc đó vẫn chưa ai biết, trầm còn bán được giá cao hay không.


Cũng theo ông Lộc, cây dó bầu có thời gian sinh trưởng kéo dài, nếu không bán được hàng, nông dân sẽ thiệt hại rất lớn. “Hơn 2 tháng nay, thương lái Trung Quốc, Đài Loan đã giảm mua trầm loại phẩm chất thấp, chỉ chọn mua loại trầm đặc biệt. Do đó, tại nhiều cơ sở làm trầm, hàng chất đống trong kho chưa bán được” - ông Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch xã Phú Trung (huyện Tân Phú) nói. Ông Sơn cho biết thêm, vào đầu năm 2013, thương lái từ Trung Quốc và TP.Hồ Chí Minh đổ xô về mua trầm, trầm loại nào bán cũng được. Khi ấy, xã Phú Trung có đến 20 cơ sở sản xuất trầm, thu hút gần 500 công nhân trên địa bàn và từ nơi khác đến. Nhưng hiện một số cơ sở đã đóng cửa, số còn lại chỉ làm cầm chừng và lượng công nhân giảm 2/3.

Ông Liễu Văn Chi ở ấp Phú Lợi, xã Phú Trung - cơ sở làm trầm đầu tiên ở huyện Tân Phú, kể: “Làm trầm có 2 cách là khoan cây dó bầu cấy thuốc và bóc vỏ quét thuốc. Loại khoan cấy thuốc phải 2-3 năm sau mới được thu, nhưng hàng không bán qua Trung Quốc được thì có thể bán sang Campuchia, Lào. Còn dạng quét thuốc chỉ sau hơn 1 năm là thu hoạch, song chỉ bán qua Trung Quốc”. Ông Chi bày tỏ, làm ăn với thương lái Trung Quốc rất bất an, vì chỉ cần họ ngưng mua hàng thì cả cơ sở làm trầm với nông dân đều “lãnh đủ”.

Theo Báo Đồng Nai

.