Sau một thời gian cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý ráo riết, tình trạng thực phẩm ngâm, tẩm hóa chất có vẻ tạm lắng để rồi lại bùng lên với mức độ ngày càng đáng sợ. Câu hỏi dư luận đặt ra là liệu tình trạng này có thực sự “tạm lắng” không hay chỉ là không bị phát hiện.
Rau muống cũng ngâm hóa chất
Tình trạng dùng chất vàng ô để ngâm làm củ măng, lá măng vàng ruộm đã được các cơ quan chức năng phát hiện tại nhiều nơi như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội từ lâu. Tuy nhiên, người vi phạm chỉ bị xử lý hành chính nên dường như không đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Bởi vậy, sau một thời gian tạm lắng, gần đây, lực lượng chức năng tại TP.HCM lại tiếp tục phát hiện các cơ sở dùng hóa chất để ngâm măng chua.
Tại 2 cơ sở ở huyện Hóc Môn, lực lượng chức năng đã phát hiện công nhân ngâm hàng tấn măng vào nước chất tẩy trắng. Hầu hết măng tại cơ sở này đã có dấu hiệu hư hỏng, bốc mùi thối khó chịu. Chủ cơ sở thừa nhận đã ngâm măng bằng chất tẩy trắng vải sợi để măng được tươi và có màu vàng đẹp từ 2 năm nay.
Giữa tháng 9-2016, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số ngành chức năng đã phối hợp bắt quả tang cơ sở chế biến rau muống chẻ của bà Trần Thị Tròn, tổ 3, khu phố Kim Sơn, phường Kim Dinh, TP Bà Rịa đang dùng hóa chất để ngâm rau. Tại thời điểm kiểm tra, bà Tròn và 2 công nhân đang ngâm rau muống chẻ vào 2 chậu nước đã pha hóa chất màu xanh.
Kiểm tra cho thấy, đây là hóa chất mang nhãn hiệu nhập ngoại, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Theo lời khai, rau muống sau khi ngâm vào nước trộn lẫn hóa chất sẽ xanh nõn, tươi ngon và để được lâu hơn. Sau vụ việc này, lực lượng liên ngành liên tiếp phát hiện hành vi ngâm rau muống chẻ vào hóa chất tương tự tại nhiều cơ sở chế biến trên địa bàn TP.HCM.
Chờ đợi lương tâm lái buôn
Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm đo lường chất lượng 3, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho thấy, trong loại phẩm màu ngâm rau muống bị phát hiện có hàm lượng kẽm 5,66%/100g, hàm lượng đồng 93,5mg/kg. Theo bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, nếu ăn thực phẩm với hàm lượng kim loại (đồng, kẽm) cao như vậy, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp.
Tại thị trường Hà Nội, dù lực lượng chức năng chưa phát hiện sự việc tương tự nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra lo lắng. Chị Trần Hoàng Thu Trang ở phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng bày tỏ: “Nhà tôi thường xuyên sử dụng rau muống chẻ mua ngoài chợ để ăn sống hoặc làm nộm cho mát. Nhưng có bao giờ nghĩ tới việc người ta còn ngâm cả hóa chất với loại rau này cho xanh, ngon.
Mấy ngày gần đây, thông tin phát hiện liên tiếp nhiều cơ sở chế biến rau sử dụng hóa chất lạ màu xanh ở phía Nam mà tôi thấy rất lo liệu Hà Nội có tình trạng đó hay không?”. Tuy chưa phát hiện rau muống chẻ ngâm hóa chất, nhưng gần đây, nhiều bà nội trợ Hà Nội rỉ tai nhau về việc tiểu thương dùng hóa chất để ngâm quả hồng cho mau hết chát nhưng lại để được lâu hơn.
Thực tế, phần lớn hồng ngâm đang tiêu thụ trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc, tuy nhiên, hầu hết người bán hàng đều giới thiệu là hồng Đà Lạt để lừa người tiêu dùng. Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, hàng năm, số lượng quả hồng ngâm nhập từ Trung Quốc đứng thứ ba trong số các loại quả nhập vào Việt Nam.
Thời điểm này đang vào vụ hồng Trung Quốc. Mùa hồng năm 2015, lượng hồng ngâm Trung Quốc nhập về Việt Nam lên đến hàng chục nghìn tấn, ngày cao điểm thường nhập 20-30 tấn.
Tình trạng thực phẩm ngâm tẩm hóa chất đã có từ lâu và trên diện rộng, với nhiều loại thực phẩm mà người dân sử dụng hàng ngày. Vi phạm không có dấu hiệu thuyên giảm mà đang diễn biến phức tạp hơn, ở quy mô ngày một lớn hơn. Ở góc độ người tiêu dùng, người dân chỉ có thể phân biệt bằng cảm quan. Tất cả trông chờ vào năng lực kiểm tra, quản lý của cơ quan hữu quan và lương tâm của… lái buôn.
Theo ANTD.VN