(BVPL) - Thị trường lao động Việt Nam trong quý II/2015 có khá nhiều điểm sáng, sức ép của việc làm, thất nghiệp đã giảm nhẹ đó là thông tin được Viện Khoa học Lao động và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê công bố.
Theo đó, quý II/2015, tốc độ tăng GDP đạt 6,4%, cao hơn mức tăng 6,1% của quý I/2015. So với quý I/2015, lực lượng lao động nước ta tăng khoảng 73.000 người, tuy nhiên, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm từ 77,3% xuống còn 76,2%; tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tiếp tục tăng, đạt 39%. Quý II/2015, cả nước có 52,53 triệu người có việc làm, tăng 103.000 người so với quý I/2015. Chuyển dịch việc làm từ nông thôn ra đô thị không thuận lợi. Khu vực thành thị có 15,73 triệu người có việc làm, giảm 663.000 người so với quý I/2015, khiến cho tỷ trọng việc làm khu vực thành thị trong tổng việc làm giảm từ 31,25% quý I/2015 xuống còn 29,94% quý II/2015.
So với quý I/2015, lao động tăng ở một số nhóm ngành, trong đó tăng nhiều nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khoảng 223.000 người, tiếp đó là ngành thông tin và truyền thông, khoảng 178.000 người; xây dựng 113.000 người; thương mại, sửa chữa 77.000 người; làm thuê cho hộ gia đình, kinh tế hộ gia đình khoảng 25.000 người; khai khoáng 20.000 người. Các ngành giảm lao động, nhiều nhất là ngành giáo dục, đào tạo, khoảng 181.000 người; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 114.000 người; hoạt động Đảng, tổ chức chính trị, xã hội, anh ninh quốc phòng 98.000 người; vận tải, kho bãi 84.000 người.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, nhóm giảm việc làm phần lớn nằm trong khu vực dịch vụ, do ảnh hưởng của chính sách hạn chế tuyển dụng, biên chế của khu vực Nhà nước. Khu vực này còn bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập, cải cách trong ngành ngân hàng, đặc biệt là sự thay đổi trong thị trường bất động sản. Trong 3 tháng quý II năm 2015, số lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài là 30.407 người, bao gồm 9.209 lao động nữ, chiếm 30,29%, tăng 4.641 người so với quý I/2015. Thị trường Đài Loan có số người đi làm việc cao nhất với gần 20.000 người, chiếm 65,27%.
Trong quý II/2015, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, chiếm 2,42% tổng số lao động cả nước và giảm nhẹ so với quý trước, tỉ lệ thất nghiệp chung giảm 15.200 người so với quý I/2015. Trong đó, hơn 607.000 người không có chuyên môn kỹ thuật (CMKT) thất nghiệp, chiếm 53%, tăng gần 51.000 người so với 3 tháng đầu năm 2015. Đặc biệt, vẫn còn gần 200.000 người có trình độ ĐH, sau ĐH thất nghiệp, chiếm 17,4%, tăng 22.000 người; hơn 101.000 lao động tốt nghiệp CĐ thất nghiệp, tăng gần 1.000 người; lao động có trình độ TCCN thất nghiệp gần 118.000 người.
Nhận định về tình hình thị trường lao động quý II/2015, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, đây là sự khởi sắc kinh tế, sức ép việc làm giảm. Lao động trong các ngành nghề chế biến tăng, lao động nông lâm, ngư nghiệp giảm. Nhiều chương trình được triển khai có hiệu quả như trên 90.000 lao động đi XKLĐ, vượt chỉ tiêu năm 2015, chính sách hỗ trợ thất nghiệp đã đi vào thực tế... Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến thách thức cạnh tranh ngay trên thị trường lao động Việt Nam khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Để cạnh tranh trực tiếp với lao động nước ngoài, Việt Nam cần nâng cao chất lượng đào tạo; cung cấp thông tin việc làm cho người lao động trong nước nhanh hơn; làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước, về trình độ, cơ cấu, chất lượng, yêu cầu về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ... hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm nhằm giảm thiểu các nguy cơ thất nghiệp, mất việc làm ngay ở thị trường trong nước và sẵn sàng tham gia thị trường lao động ngoài nước, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.
Trần Mai