Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi Cục trưởng Chi Cục ATVSTP TP.HCM, hiện tỷ lệ ký sinh trùng trong rau sống ở các quán ăn đường phố lên đến 72%.
Đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc cấp tính trong thời gian vừa qua, mà khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra cũng đành ‘chào thua’, do không biết lấy mẫu thức ăn ở đâu để xét nghiệm, ai chịu trách nhiệm.
Đụng đến đâu, bẩn tới đó
Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết, 100% người bán hàng rong trên địa bàn chưa từng được tham gia lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù ngành y tế đã có kế hoạch xử phạt hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, tuyên truyền cho người dân, nhất là lứa tuổi học sinh nói không với thức ăn vỉa hè không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là trước cổng trường.
Hô hào là vậy, nhưng cho tới nay, chính quyền vẫn không thực hiện việc xử phạt mạnh tay, việc tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao, nên hàng rong vẫn bu quanh các cổng trường học, bệnh viện một cách thoải mái, còn nếu ngộ độc xảy ra thì người dân tự ráng mà chịu, vì cơ quan chức năng muốn xử, mà chẳng biết xử ai, nếu tìm được người bán thì xử như thế nào.
“Thức ăn đường phố nằm trong diện không đủ điều kiện để buôn bán, nhưng đây là loại hình kinh doanh đã tồn tại từ rất lâu tại Việt Nam, nên khó có thể loại bỏ nó được, mà phải chấp nhận nó. Khó khăn nhất hiện nay là làm thế nào để kiểm soát được thực phẩm” – đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết.
Khó khăn lớn nhất của việc kiểm soát chất lượng thực phẩm hiện nay tại TP.HCM, là theo nghị quyết về kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện chỉ cho phép thành lập đoàn thanh kiểm tra cấp tỉnh, TP, còn cấp phường xã thì lại chưa thể triển khai được.
Do điều này, hàng rong và thức ăn đường phố sẽ vẫn tiếp tục có đất sống, tồn tại và kinh doanh, vì với quy mô đoàn thanh tra cấp tỉnh, TP khó có thể có điều kiện kiểm tra hết các điểm kinh doanh của toàn bộ các phường, xã.
Theo VietQ