Đồng Nai dự tính sẽ đưa nhiên liệu sạch là khí CNG vào sử dụng cho xe buýt thay cho xăng dầu, bởi khí CNG rẻ hơn xăng dầu và tốt cho môi trường. Song vốn đầu tư cho xe ô tô chạy khí, xây dựng các trạm nạp khí rất lớn nên doanh nghiệp vận tải chưa thể chuyển đổi.

 


Tại Việt Nam, khí CNG có sẵn rất nhiều và chưa được thu gom hết để sử dụng trong quá trình khai thác dầu mỏ. Khí CNG dùng an toàn hơn xăng dầu nên một số tỉnh, thành đã dùng thí điểm trên xe buýt, ô tô nhỏ thay xăng dầu. Đồng Nai đang đẩy nhanh dự án dùng khí CNG thí điểm trên xe buýt, sau đó sẽ nhân rộng ra.

Thiếu vốn

Năm 2008 khi Việt Nam bắt đầu triển khai việc sử dụng khí CNG chạy xe ô tô, thì năm 2010 Đồng Nai chấp thuận cho Công ty cổ phần vận tải Sonadezi làm thí điểm trên xe buýt. Tuy nhiên, 5 năm qua dự án vẫn chưa triển khai được, trong khi TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương làm thí điểm khá thành công và đang chuẩn bị nhân rộng. Theo Sở Giao thông - vận tải, muốn đưa khí CNG vào sử dụng cho các loại xe buýt, cần nguồn vốn lớn để thay các loại xe chạy dầu bằng xe chạy khí, có quỹ đất để làm các trạm chứa nạp khí. Nguồn vốn để thực hiện lên đến hàng ngàn tỷ đồng.


Thông tin từ Bộ Khoa học - công nghệ, Việt Nam có trữ lượng khí CNG rất lớn và có thể làm chủ công nghệ sản xuất khí CNG. Đây là nhiên liệu sạch, rẻ, an toàn cho sử dụng trên các loại xe ô tô và cho các nhà máy sản xuất công nghiệp. Khí CNG được đưa vào sử dụng từ năm 2008, nhưng chưa xảy ra vụ nổ nào.

Ông Trần Phước Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải Sonadezi (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty được tỉnh phê duyệt làm dự án thí điểm dùng khí CNG cho xe buýt và xe đưa rước công nhân đã 5 năm nhưng chưa thực hiện được. Lý do là dùng khí CNG phải mua xe mới thay thế, nhưng không được hỗ trợ vốn vay ưu đãi doanh nghiệp khó làm nổi. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh phải đầu tư xây dựng nhiều trạm khí để các xe trong quá trình vận chuyển có thể ghé vào nạp khí”. Theo ông Phước Anh, đầu tư một trạm nạp khí cần từ 5-10 tỷ đồng. Do đó, không có hỗ trợ về vốn vay, đất để xây dựng các trạm nạp khí, dự án khó triển khai. Công ty cổ phần vận tải Sonadezi dự tính đi tiên phong trong việc thay thế 180 xe buýt, xe đưa rước công nhân đang chạy dầu diesel sang xe chạy khí CNG nếu được ưu đãi giảm thuế nhập khẩu xe ô tô mới ưu đãi, đất đai và vốn lãi suất thấp để xây dựng các trạm nạp khí.

“Hiện nay, trên thế giới có nhiều nước sử dụng khí CNG chạy ô tô vì có 3 ưu điểm lớn là: giảm khí thải 30-40%, rẻ hơn xăng dầu khoảng 30% và an toàn hơn. Vì vậy, dù ban đầu có phải đầu tư lớn, tỉnh cũng sẽ đẩy nhanh dự án trong thời gian tới” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết.

Nên khuyến khích

Nhiều doanh nghiệp vận tải sẵn sàng chuyển đổi sang dùng khí CNG khi xe hết hạn sử dụng. “Dùng khí CNG rẻ, tốt cho môi trường và giá xe dùng khí cũng xấp xỉ xe dùng dầu thì đến thời điểm thay xe mới, công ty chắc chắn chuyển sang dùng xe chạy khí CNG” - ông Nguyễn Hoàng Thiện, Đội trưởng điều hành đội xe Công ty TNHH Vĩnh Cường Container (TP.Biên Hòa) nói.


Hiện nay, trong nước chưa sản xuất được các dòng xe chạy khí CNG nên muốn chuyển đổi phải nhập khẩu xe. Giá xe buýt chạy khí CNG trên thị trường thế giới từ 1,1-1,3 tỷ đồng, nhưng thuế nhập khẩu cao nên đẩy giá xe lên khoảng 2 tỷ đồng/chiếc. Hiện TP.Hồ Chí Minh đã đưa xe buýt chạy khí CNG vào thí điểm, mỗi năm tiết kiệm hơn 160 triệu đồng/xe so với dùng dầu diesel. Khí CNG hiện đang được các nhà máy sản xuất gạch men, sắt thép, gốm sứ... dùng thay gas vì giá rẻ và an toàn.

Ông Đỗ Quang Tiến, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh chi nhánh Đồng Nai, chia sẻ: “Mai Linh có trên 300 xe taxi tại Đồng Nai và dự tính đầu năm 2016 sẽ tăng thêm hơn 100 xe. Tập đoàn sẵn sàng bỏ ra 2-3 ngàn USD lắp thêm bộ chạy khí cho mỗi xe. Song các trạm nạp khí phải tiện lợi như các trạm nạp xăng vì taxi lưu chuyển thường xuyên ở nhiều nơi”. Một số doanh nghiệp vận tải còn băn khoăn việc khi chuyển đổi phải có sự đồng ý của các hãng sản xuất xe để nếu xe có hỏng hóc sẽ được bảo hành.

Dùng nhiên liệu sạch CNG cho các loại xe ô tô lợi ích về môi trường thấy rõ, giá rẻ hơn nhiều so với xăng dầu và nguồn khí đã có sẵn trong nước không phải nhập khẩu. Về cơ bản, tỉnh, trung ương đều khuyến khích dùng nguồn nhiên liệu sạch ít gây hại cho môi trường này, nhưng để triển khai rộng rãi cần những chính sách cụ thể hơn.
 

Theo Báo Đồng Nai
.