Không có gạo tẩm hóa chất, trà 'bẩn' và chuối chín siêu tốc?
Cập nhật lúc 15:40, Thứ hai, 09/09/2013 (GMT+7)
Thời gian qua, hàng loạt thông tin về tình trạng dùng hóa chất để biến gạo mốc thành gạo trắng thơm, trà "bẩn" được phù phép thành trà sạch và chuối xanh được phun hóa chất độc hại để ép chín "siêu tốc" đã làm dư luận xã hội "nóng" lên. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT khẳng định, những thông tin trên chưa chính xác. (chuối tắm hóa chất, trà bẩn, gạo mốc)
Thời gian qua, hàng loạt thông tin về tình trạng dùng hóa chất để biến gạo mốc thành gạo trắng thơm, trà “bẩn” được phù phép thành trà sạch và chuối xanh được phun hóa chất độc hại để ép chín "siêu tốc" đã làm dư luận xã hội “nóng” lên. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT khẳng định, những thông tin trên chưa chính xác.
|
Chuối được dấm chín tại chợ chuối sông Hồng (Hà Nội). Ảnh internet. |
Tại buổi họp giao ban công tác quản lý an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp của Bộ NN&PTNT mới đây, ông Nguyễn Như Tiệp-Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận các thông tin, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xác minh. Kết quả cho thấy, hầu hết những thông tin báo chí đăng tải đều chưa chính xác, không sát với thực tiễn.
Cụ thể, ông Tiệp khẳng định, đối với gạo, chi cục Bảo vệ thực vật TP. HCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. HCM. Đồng thời, lấy 12 mẫu gạo của các cơ sở để kiểm tra xem có chứa các hoạt chất gây hại không. Kết quả, cơ quan chức năng không hề phát hiện việc sử dụng hóa chất trong sản xuất gạo cũng như bất kỳ mẫu gạo nào có chứa hoạt chất gây hại.
Đối với mặt hàng chuối, chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã đi kiểm tra đột xuất 11 cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn và không hề phát hiện có bán tuýp thuốc dấm chuối như báo đã nêu.
Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội cũng tổ chức kiểm tra, xác minh tại chợ chuối sông Hồng. Kết quả, chỉ phát hiện hộ kinh doanh chuối sử dụng tuýp thuốc dấm hoa quả của Công ty CP sinh học nông nghiệp HPC với thành phần chính gồm Ethephon (Etherel).
Theo ông Tiệp, đây là loại chất được một số nước như Mỹ, NewZealand... cho phép sử dụng trên một số loại quả để kích thích chín nhanh, đồng đều, nhưng phải đáp ứng quy định về mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép.
Riêng với mặt hàng trà, chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Bình Dương đã tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Tân Hiệp Phát và Công ty TNHH URC Việt Nam đóng trên địa bàn, là đơn vị sản xuất nước giải khát có sử dụng nguyên liệu trà xanh và thải ra bã trà.
Kết quả cho thấy, bã trà xanh của các doanh nghiệp này được bán cho một số đơn vị để tái chế làm trà phục vụ khâm liệm, mai táng. Như vậy, chưa có cơ sở khẳng định, trà phế thải được lấy từ Bình Dương rồi tuồn vào các xưởng chuyên làm trà bẩn ở TP. Bảo Lộc-Lâm Đồng để đóng gói sang trọng và đem đi tiêu thụ trên thị trường.
Ông Tiệp khẳng định, tại Lâm Đồng, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở chế biến trà tại Bảo Lộc và thu được kết quả, các hóa đơn nhập hàng về và kiểm tra hàng hóa tại kho chưa phát hiện có trà phế thải từ Bình Dương đưa về Bảo Lộc để chế biến.
Có thể thấy rằng, kết quả mà cơ quan chức năng đưa ra hầu như trái ngược hẳn với những thông tin mà báo chí đăng tải trước đó. Tuy nhiên, những bài báo với nội dung rõ ràng, dẫn chứng cụ thể vẫn có sức tác động lớn, khiến không ít người tiêu dùng đặt ra nghi vấn, liệu quá trình kiểm tra của cơ quan chức năng đã đúng, đã trúng chưa?
Trong khi, người tiêu dùng hoang mang bởi không nắm được thực hư chất lượng an toàn thực phẩm của nhiều mặt hàng nông, lâm sản thì cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện sai phạm gì và sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Ngày 2-8-2013, Báo Tiền Phong đăng bài “Hóa chất độc hại phù phép gạo mốc”, phản ánh nhiều nhà máy xay xát ở TP. HCM đang dùng hóa chất (Bezoyl peroxide, Calcium peroxide) bị cấm ở nhiều nước để khiến gạo trắng hơn, thổi cơm nở gấp đôi, biến gạo mốc meo trở nên trắng thơm…
Tiếp đó, số báo ra ngày 6-8 của báo Tuổi Trẻ TP.HCM có đăng bài “Đường đi của trà bẩn” nêu lên tình trạng các loại trà phế thải được lấy từ tỉnh Bình Dương rồi tuồn vào các xưởng chuyên làm trà bẩn tại TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trà bẩn được phù phép thành các loại trà đóng gói sang trọng và đem đi tiêu thụ trên thị trường. Còn tại số báo ra ngày 12-8-2013, báo Thanh Niên đăng bài “Chuối chín 'siêu tốc' nhờ hóa chất", phản ánh việc các hộ kinh doanh chuối khu vực chợ chuối sông Hồng (Hà Nội) dùng hóa chất độc hại phun lên những nải chuối xanh để ép chuối chín gấp. |
Theo Thanh Nguyễn
Báo Hải Quan
.