Ngày 7-3, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ailen phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị thảo luận về các xu hướng thay đổi toàn cầu và phương thức phát triển chiến lược dạy nghề tại Việt Nam, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Huân tước David Puttnam, Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về Thương mại và Văn hóa tại Việt Nam chủ trì hội nghị.
 
Hội thảo nhận định: Thế giới đang thay đổi rất nhanh. Đến năm 2030, sẽ cần thêm 50% năng lượng; 40% nước và 35% lương thực. Dân số trên thế giới đang già đi nhanh chóng với gần xấp xỉ hai phần ba trong số họ hơn 65 tuổi và ngày càng nhiều người chuyển ra sống tại các thành phố. Các nền kinh tế lớn nhất trong tương lai sẽ không như hiện tại. Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của hội nhập quốc tế thông qua sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Việt Nam – EU. Có được các kỹ năng phù hợp, có nghĩa là Việt Nam sẽ đáp ứng tốt và hưởng lợi từ việc phát triển và sẽ là nơi hấp dẫn cho các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư.
 
Với việc coi đổi mới giáo dục và dạy nghề là mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2011 – 2020 của Chính phủ, trong đó, việc cải tiến chất lượng lực lượng lao động sẽ là mấu chốt để tiếp tục hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển bền vững tại Việt Nam. Các tham luận được trình bày tại hội thảo cho thấy toàn cầu hóa, công nghệ mới và thời gian làm việc lâu hơn đang làm thay đổi thị trường lao động. Lực lượng lao động có tay nghề là chìa khóa dẫn tới năng suất và tăng trưởng kinh tế ở mỗi quốc gia. Các mô hình kinh doanh và công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh, đặt ra yêu cầu cần có Chiến lược phát triển đào tạo nghề quốc gia linh hoạt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Lực lượng lao động còn nhiều hạn chế".
 
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đất nước Việt Nam từ mấy nghìn năm vượt qua được rất nhiều khó khăn, thử thách là do con người Việt Nam có những điểm rất đáng quý. Dù đã thoát khỏi tình trạng là một nước nghèo nhưng nhiều nơi ở Việt Nam vẫn còn rất khó khăn, trong khi có nhiều nước trước đây khó khăn hơn Việt Nam nhưng đã vươn lên nước giàu. Lực lượng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Vì vậy, 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục, đào tạo, trong đó, công tác đào tạo nghề là nội dung rất quan trọng.
 
Nêu một vài số liệu thống kê đáng suy nghĩ về đào tạo nghề ở Việt Nam khi mới có 53% lao động được đào tạo nhưng chỉ hơn 20% có thời gian đào tạo trên 3 tháng, còn lại là dưới 3 tháng; sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp... Để từng bước thay đổi thực trạng này, theo Phó Thủ tướng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, không đơn thuần là phương pháp dạy, phương pháp học, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách về sử dụng, đãi ngộ lao động, thu hút đầu tư vào giáo dục và dạy nghề; cải thiện mối quan hệ giữa người đào tạo và người sử dụng lao động...
 
Phó Thủ tướng nêu rõ; “Nhất nghệ tinh/Nhất thân vinh”, nghề có thể không cần nhiều nhưng thật giỏi một nghề thì dù nghề nào cũng đem đến sự thành công và vinh quang cho từng người. Muốn phát triển, muốn tăng năng suất có rất nhiều việc phải làm trong đó việc vô cùng quan trọng là chất lượng giáo dục và đào tạo phải nâng lên. Việc hình thành cộng đồng ASEAN, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là những cơ hội quý giá cần được tận dụng để đào tạo nghề của Việt Nam vượt qua những thách thức trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa mạnh mẽ.
 
Sau hội nghị, trong hai ngày 8 và 9-3, Hội đồng Anh sẽ tổ chức hội thảo hướng đến việc tăng cường hợp tác giữa Vương Quốc Anh và các cơ sở dạy nghề Việt Nam, nhằm thiết lập các cơ chế và công cụ đảm bảo chất lượng dạy nghề của các cơ sở dạy nghề Việt Nam theo chuẩn của Vương quốc Anh. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình đối tác quốc tế về kỹ năng của Hội đồng Anh.
 
Theo Báo CATPĐN
.