Qua công tác nắm tình hình đã xác định được 22 đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, cho vay không thế chấp với lãi suất cao, trong đó, có 07 đối tượng từ các địa phương khác như: Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên… đến Đà Lạt câu kết với một số đối tượng ở tại địa phương.

leftcenterrightdel
 Tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp, cho vay trả góp dán dày các trụ điện trên địa bàn TP. Đà Lạt.

Qua điều tra, Cảnh sát đã phát hiện 20 vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, chủ yếu xuất phát từ việc đòi nợ thuê dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó đã khởi tố hình sự 3 vụ, 8 bị can, với các tội danh: Cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, gây rối công cộng…; lập hồ sơ xử lý 4 vụ, 7 đối tượng có hành vi xâm hại sức khỏe người khác, đập phá tài sản; đang tiếp tục lập hồ sơ xử lý 3 vụ.

Các đối tượng này thường quảng cáo, tiếp thị bằng các hình thức như: Dán, phát tán tờ rơi, ghi số điện thoại liên hệ trên các trụ điện, bức tường... thậm chí một số đối tượng cho vay đối phó với ngành chức năng bằng cách mở cơ sở kinh doanh, buôn bán để núp bóng hoạt động “tín dụng đen”.

Hình thức cho vay thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, không cần các điều kiện đảm bảo nào, chỉ cần photo hộ khẩu, chứng minh nhân dân; không tuân thủ những quy tắc tín dụng và sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đa số tiền cho vay được thỏa thuận bằng miệng, nếu có giấy tờ cho vay nhưng không ghi số lãi suất vào giấy tờ vay nợ mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay…; do đó, việc điều tra, xử lý đối với hoạt động này gặp nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
 Công văn của UBND TP. Đà Lạt chỉ đạo ngành chức năng địa phương tăng cường khuyến cáo, tuyên truyền người dân về hoạt động “tín dụng đen”.

Thực tế, hoạt động cho vay vốn không thế chấp này có lãi suất rất cao, bị ép buộc, lãi mẹ để lãi con, tính lãi theo từng ngày; khi người vay đến hạn không có khả năng trả nợ thì chúng thường sử dụng các đối tượng côn đồ, có tiền án, tiền sự để gây áp lực, đổ chất bẩn vào nhà, khủng bố bằng tin nhắn… để đòi nợ; Có trường hợp một số đối tượng được thuê đòi nợ đã kéo nhiều người đến nhà hoặc nơi kinh doanh của người vay nợ không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng gây cản trở cho hoạt động buôn bán kinh doanh hoặc bí mật khóa trái cửa, cổng ra vào của con nợ.

Để tuyên truyền nâng cao nhận thức, phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen”, UBND TP. Đà Lạt vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan ban ngành địa phương cần thường xuyên phối hợp tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, xử lý theo đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm.

Tâm An