(BVPL) - Tiến tới hội nhập bằng các hiệp định thương mại với các khu vực và các nước lớn là điều tất yếu của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, để phát triển một nền kinh tế vững chắc cần những sự hỗ trợ về phía chính sách từ nhà nước.

 


Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã ký kết 9 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán một loạt các hiệp định FTA quan trọng như: Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam liên minh châu Âu… Bên cạnh việc mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước đối tác, các lợi ích từ tự do thương mại hóa thì các Hiệp định FTA cũng hạn chế quyền, thậm chí là cấm Chính phủ thực hiện một số chính sách nhất định để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới tương lai của các ngành kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam được ví như là một ngôi nhà đang mở ra rất nhiều cánh cửa và các ngành kinh tế trong nước rất dễ bị “gió lùa” vì cánh cửa hội nhập quá rộng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, nhìn theo chiều hướng tích cực hơn thì việc cần lúc này là làm thế nào để ngôi nhà phát triển rộng ra thì các bức tường chắn gió cũng sẽ lớn hơn. Sâu xa hơn, điều này thể hiện tư duy phát triển bền vững, đó là tập trung phát triển những ngành có lợi thế và thu hút được đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Viện nguyên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: Những ngành gần đây chúng ta thường nói đến là điện tử, những ngành công nghệ cao hay những ngành chế biến nông – lâm – thủy sản và thể hiện tư duy rõ ràng hơn, mạch lạc hơn là chúng ta phát triển tập trung và theo hướng phù hợp ưu tiên của Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình này, chúng ta có thể lo ngại có doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phá sản để đánh đổi bằng nhiều cơ hội, song nếu biết tận dụng cơ hội, nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, nhiều doanh nghiệp tham gia chủ động hơn vào cuộc chơi đẩy mạnh sản xuất khu vực và toàn cầu thì đó là sự đánh đổi hợp lý.

Vấn đề của Việt Nam bây giờ là giữa một rừng cam kết mở cửa hội nhập thì chúng ta sẽ vận dụng các chính sách hỗ trợ và hiệu quả như thế nào. Tại Hội thảo Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế còn lại gì sau các FTA vừa được Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Chính sách Thương mại quốc tế lưu ý: Các hỗ trợ không được đề cập như: hỗ trợ về nguồn nhân lực, những vấn đề về xây dựng năng lực, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ cho đối tượng dễ bị tổn thương... Tuy nhiên, khi ban hành chính sách thì việc phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả, đến khi nước ngoài đến để rà soát chính sách có phù hợp không thì thấy rất rõ các doanh nghiệp không sử dụng chính sách.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong hội nhập doanh nghiệp cần chủ động đầu tư chi phí và thời gian để có thông tin và xây dựng kế hoạch hội nhập phù hợp. Đặc biệt mỗi ngành hàng phải nghiên cứu, đề xuất đúng chính sách hỗ trợ mà mình cần.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thông tin: Rất cần có những hỗ trợ như là chính sách về khuyến khích cho việc chuyển giao công nghệ, cho việc tăng cường các năng lực về mặt khoa học kỹ thuật bởi vì ngày nay bán lẻ cũng là ngành cần đến những đổi mới về công nghệ.

Như vậy, dù các cam kết hiệp định thương mại tự do hạn chế bảo hộ nhưng thực chất việc vận dụng không gian chính sách hỗ trợ của nước ta vẫn còn rất lớn. Vấn đề là vận hành như thế nào cho đúng, cho trúng và vừa phù hợp với cam kết hội nhập. Rõ ràng, điều này cần sự chủ động nỗ lực của cả hai phía cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
 

Nguyên Khoa

.