Tại TP.HCM, bóng bay bơm bằng khí hydro có mặt khắp nơi từ những góc ngã tư, công viên, khu du lịch cho đến các hội nghị, tiệc cưới… Nhiều người cho rằng những quả bóng sặc sỡ này vô hại. Trong khi trên thực tế, bóng bay có thể phát nổ và cháy, gây phỏng nặng; điển hình như vụ bóng bay phát nổ, gây cháy khiến bốn người bị phỏng ở Hà Nội cách đây vài ngày.

 


Nguy hiểm và độc hại

TS Hà Thúc Chí Nhân, Phó trưởng Khoa Khoa học vật liệu, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết, người bán bóng bay hiện nay thường dùng khí hydro để bơm bóng. Hydro là loại khí rất nguy hiểm, khi nổ sẽ tạo ra áp lực rất mạnh, có thể cháy, gây phỏng nặng. Do cấu trúc phân tử bé nên hydo phát tán cực nhanh và có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Nếu người dùng chủ quan để bóng bay bơm bằng khí hydro ở sát bóng đèn, bóng cũng có thể phát nổ. Cũng do tư thế cầm bóng bay, thường là cầm sát cuống bóng, nên khi nổ người dùng có thể bị phỏng da tay, da mặt. Mặt khác, hầu hết bóng bay được làm bằng mủ cao su cùng các hóa chất khác (chất xúc tiến, bột màu, bột tan…) nên rất độc hại với trẻ nhỏ khi tiếp xúc.

BS Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM khuyến cáo: Quả bóng không bay thường chỉ được bơm khí tự nhiên nên nếu bị bể thì vẫn không gây hại. Nhưng với quả bóng bay thì phải bơm khí hydro vào, vì đây là nguyên tố nhẹ nhất trong mọi chất khí. Tuy nhiên, đây lại là loại khí rất dễ cháy, hoặc có thể phát nổ khi có dòng điện đi qua.

Một bác sĩ của Khoa Phỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, khoa này từng tiếp nhận hai bệnh nhân bị phỏng hai tay, mặt với diện tích từ 5-10% do nổ bong bóng bay.

Cũng theo BS Đinh Tấn Phương, nếu lúc bóng nổ, nạn nhân vô tình hít phải lượng khí hydro nhiều vào cơ thể, có thể xảy ra các triệu chứng như: lơ mơ, ói mửa, co giật, hôn mê; thậm chí tử vong. Với những trường hợp bị bốc cháy trên cơ thể, nạn nhân cần bình tĩnh, không hốt hoảng chạy khắp nơi vì lửa khi gặp oxy sẽ khiến cháy nhiều hơn.

Khó kiểm soát

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, các loại bình bơm hơi, khí nén đều nằm trong danh mục các thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn lao động, phải được tiến hành kiểm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn trước khi đưa vào sử dụng (kiểm tra định kỳ sáu tháng/lần). Tuy nhiên, việc kiểm soát thiết bị bơm hơi áp lực hiện rất khó vì người dân tự dùng các loại bình không theo tiêu chuẩn, thậm chí sử dụng cả bình gas và tự pha chế khí lén lút tại nhà. Đặc biệt, các loại bình bơm bóng bay nguy hiểm ở chỗ vừa có áp lực lại vừa có chất gây cháy. Về vụ nổ bình hơi bơm bóng bay ở Q.Gò Vấp, trước đó công an địa phương đã phát hiện bình khí nén không đạt tiêu chuẩn về an toàn cháy nổ và mời người vi phạm lên làm việc. Tuy nhiên, thay vì chấp hành và khắc phục, người dân đã đối phó bằng cách chuyển chỗ ở và tiếp tục sống với “bom hơi” cho đến khi xảy ra vụ nổ.

 

Theo PNO

.