(BVPL) - Hiện nay, siêu thị là nơi mà rất nhiều người tiêu dùng trên thế giới lựa chọn mua sắm. Nắm bắt được nhu cầu này, rất nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến việc phân phối hàng hóa vào các siêu thị. Tuy nhiên, để đưa được hàng vào tiêu thụ tại các siêu thị, đặc biệt là siêu thị nước ngoài không phải chuyện đơn giản. Thời gian qua, để xuất khẩu hàng hóa vào hệ thống siêu thị nước ngoài, phần lớn các DN Việt Nam đều thông qua một công ty trung gian.
Tiếp cận bộ phận thu mua
Nhìn thấy một sản phẩm của Việt Nam xuất hiện ở siêu thị nước ngoài, rất nhiều người tỏ ra vô cùng vui mừng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được, đường vào siêu thị nước ngoài của hàng Việt Nam gian lan như thế nào. Nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, dù có thể trực tiếp đứng ra đảm bảo độ an toàn về chất lượng, tuy nhiên lại vướng mắc ở khâu giấy tờ, thủ tục cũng như mù mờ về thông tin. Như vậy, tính đến thời điểm này, đại đa số doanh nghiệp Việt gần như chỉ có thể đứng từ xa nhìn vào hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị ở nước ngoài.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt vào siêu thị, hiện nay, rất nhiều siêu thị nước ngoài đã đăng tải đầy đủ thông tin về quy trình, thủ tục chào hàng, mua hàng và thời gian trả lời. Tuy nhiên, đó là trên giấy tờ văn bản, còn thực tế đa số doanh nghiệp Việt cho rằng rất khó để chen chân tìm chỗ đứng ở các siêu thị nước ngoài.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1513/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, có mục tiêu phấn đấu hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả hệ thống phân phối lớn tại các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam ở châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đề án cũng đưa ra các định hướng hỗ trợ doanh nghiệp. Kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tự chủ của doanh nghiệp và các nguồn kinh phí khác. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm cho rằng việc chen chân vào siêu thị nước ngoài không phải là chuyện dễ. Bởi lâu nay các hệ thống siêu thị ở nước ngoài thường làm việc với các công ty thương mại vì các công ty này chuyên nghiệp và tìm được các đầu mối giá rẻ. Ngoài ra, các siêu thị cũng muốn chia sẻ một lượng công việc cũng như một phần trách nhiệm về chất lượng sản phẩm với các công ty này.
Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt, một công ty có nhiều sản phẩm dệt sợi, bông xuất khẩu đi Nhật Bản cho biết: Bán trực tiếp cho siêu thị không khó, lợi nhuận cao hơn nhưng lách cách, lắm cầu. Còn bán qua công ty trung gian, họ làm việc với nhiều siêu thị, có nhiều mã sản phẩm, khi đó, DN có thể làm dài hơi hơn so với việc chỉ biết đến một siêu thị, do họ mua hàng với lượng không nhiều.
Ai cũng biết, cách thức đi vào siêu thị nước ngoài là phải qua bộ phận thu mua bởi bộ phận này sẽ quyết định mua hàng của ai và giá cả như thế nào. Phòng thu mua là cánh cửa đầu tiên khi bước vào siêu thị nước ngoài.Thêm vào đó, khi làm việc trực tiếp được với bộ phận thu mua doanh nghiệp sẽ có thêm lợi nhuận, được tư vấn, được làm việc với phong cách chuyên nghiệp hơn và điều quan trọng hơn cả là doanh nghiệp sẽ tiến bộ nhanh hơn. Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp cận được với bộ phận thu mua thì luôn là một câu hỏi khó cho hầu hết các doanh nghiệp.
Tạo “chân rết” cho doanh nghiệp
Việc tìm được thị trường xuất khẩu ổn định đã khó, tìm được siêu thị nước ngoài thu mua ổn định càng khó hơn gấp bội phần. Muốn bán được hàng, trước tiên doanh nghiệp phải đảm bảo hàng hóa phải tốt, giá cả cạnh tranh và cũng phải chung chi. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần có hướng giúp đỡ doanh nghiệp. Muốn xuất khẩu vào siêu thị nước ngoài, chúng ta có thể dựa vào lực lượng người Việt ở nước ngoài, tạo thành “chân rết” cho doanh nghiệp Việt, bám vào các doanh nghiệp FDI có mặt tại Việt Nam để có thể giới thiệu với công ty mẹ ở nước ngoài.
Một vấn đề nữa đặt ra là để hàng hóa Việt Nam có mặt ở siêu thị nước ngoài thì giữa doanh nghiệp và siêu thị phải đồng ý được với nhau về vấn đề giá cả. Siêu thị sẽ trực tiếp đến nhà xưởng để đánh giá xem nhà cung cấp có đáp ứng được các tiêu chí về hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội, lao động (như không sử dụng lao động trẻ em)... Ngoài ra, các mặt hàng như: thủy sản, nông sản hay may mặc thì cách thức đưa hàng vào các siêu thị ở nước ngoài thông qua kênh siêu thị của họ tại Việt Nam là một giải pháp nên làm.
Nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt và các siêu thị nước ngoài chưa gặp nhau được về vấn đề giá cả. Bởi lẽ, các siêu thị lớn như Target, Walmart, Costco thường đặt hàng với số lượng rất lớn, hàng triệu sản phẩm cho mỗi mẫu mã, theo đó, giá cả cũng phải rẻ, mà những yêu cầu này lại là ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc.
Như vậy, muốn hàng hóa Việt Nam tiếp cận được với các siêu thị nước ngoài thì ngoài việc đảm bảo về chất lượng hàng hóa thì chúng ta cũng phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của hệ thống phân phối nước ngoài. Chính phủ cũng dành sự ưu tiên đối với các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Thiết nghĩ, vấn đề mấu chốt vẫn là ở phía các doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: với đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”, Bộ Công thương hiện đang làm và sẽ làm tích cực hơn để có thể thực hiện mục tiêu của đề án.
Hữu Bắc