leftcenterrightdel
Trạm Y tế xã Kỳ Lợi đang bị bỏ hoang và xuống cấp. 

Trâu, bò tránh nắng ở trụ sở tiền tỷ!?

Năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện chương trình di dời hàng trăm hộ dân xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đến khu tái định cư thuộc phường Kỳ Trinh để lấy đất cho Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuê.
Nằm trong chương trình này, hàng loạt các công trình gồm: trụ sở xã, trường học, trạm y tế xã Kỳ Lợi thuộc khu tái định cư Tân Phúc Thành được xây dựng đồng bộ với mức kinh phí 33 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do đến nay vẫn chưa di dời xong các hộ dân nên trụ sở UBND xã xây dựng 3 tầng khang trang, bên cạnh đó là trạm y tế xã, trường học vẫn đang bị bỏ hoang, làm nơi cho bò vào tránh nắng.

Đặc biệt, khu nhà hành chính 3 tầng thuộc trụ sở UBND xã được xây dựng rất kiên cố, khang trang nhưng chưa đi vào hoạt động một ngày nào nay đã xuống cấp, trở nên nhếch nhác. 

Trong khuôn viên trụ sở hoành tráng này cỏ mọc tốt um tùm, bên trong hành lang trở thành chỗ tránh nắng cho... bò, phân, nước tiểu bò thải ra nằm rải rác khắp nơi khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Bà Trần Thị N, một người dân ở ngay bên cạnh trụ sở UBND xã Kỳ Lợi, cho biết: “Trụ sở này được xây dựng xong cách đây 8 năm. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà cán bộ vẫn làm việc ở trụ sở cũ, chứ không chuyển lên đây khiến cho trụ sở này trở thành nơi lý tưởng cho trâu, bò vào gặm cỏ, trú mưa, nắng”. 

Cùng chung thực trạng trụ sở xây xong không sử dụng, bỏ hoang… như trụ sở UBND xã thì các công trình khác như  trạm y tế xã, trường học... được xây dựng cùng thời điểm, nay cũng đang bỏ hoang và bị hư hỏng, xuống cấp. “Trạm xá xã cũng không sử dụng vì người dân ở khu tái định cư không có nhu cầu. Dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học dành cho học sinh cấp 2 cũng đang bỏ hoang” – một cán bộ UBND xã Kỳ Lợi cho biết.

Lãng phí trên 33 tỷ đồng do chưa di dời hết dân?

Trao đổi về thực trạng trên, ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, đây là các công trình thuộc dự án di dời dân cảng Sơn Dương của Formosa, công trình do Ban quản lý khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên được xây dựng vào năm 2010, với tổng số kinh phí trên 33 tỷ đồng. 

“Di dời dân phụ thuộc vào chủ trương từng giai đoạn của dự án, lấy đất đến đâu và thực hiện giải ngân đến đâu sẽ di dời đến đó. Hiện có khoảng 600 hộ dân Tân Phúc Thành 2, 3 chưa di dời đến khu tái định cư. Trong năm nay, nếu di dời được người dân xã Kỳ Lợi  đến hết khu tái định cư thì sẽ sử dụng trụ sở mới…” - ông Vĩnh nói.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân khiến người dân vẫn chưa di dời lên địa điểm mới định cư là do quá trình triển khai tồn tại nhiều bất cập trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng. Với việc các trụ sở hiện nay đã xuống cấp, khi về sử dụng thì phải mất rất nhiều kinh phí để khắc phục sửa chữa. Đây cũng là băn khoăn, lo lắng của lãnh đạo địa phương.  “Hiện nay trụ sở mới đã xuống cấp nên nếu muốn di chuyển đến đó làm việc phải mất hàng tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp lại”, ông Trần Văn Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi bày tỏ.

Lý do khiến các công trình với nguồn vốn trên 33 tỷ xuống cấp, theo lãnh đạo thị xã Kỳ Anh cho rằng do ảnh hưởng của cơn bão số 10 nên một số hạng mục bị hư hỏng, hiện vẫn chưa có kinh phí sửa chữa…

Dù lý do, nguyên nhân gì thì cũng cần phải sớm đưa công trình vào sử dụng để thực sự phát huy hiệu quả và nguồn ngân sách nhà nước không bị lãng phí…

Đặng Thùy