Nhiều gia đình do vay tiền của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải tha phương cầu thực, gia đình mâu thuẫn, ly tán… Thời gian qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tình hình hoạt động “tín dụng đen” toàn quốc

Hiện nay tại các đô thị lớn, khu công nghiệp, khu tập trung nhiều công nhân, người lao động hoạt động “Tín dụng đen” cho vay lãi nặng vẫn hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý. Đồng thời, một số đối tượng hoạt động lưu động tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn, nhắm đến các nhóm người yếu thế trong xã hội, trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa thường xuyên được tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn mới, ý thức cảnh giác chưa cao như nhóm người nghèo, nông dân, người dân tộc thiểu số, thanh thiếu niên, công nhân, những người không đáp ứng các điều kiện vay vốn của hệ thống ngân hàng.... Các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền vay nóng phục vụ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng, tiêu xài cá nhân hoặc các nhu cầu bất chính, sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc, sử dụng ma túy. Xuất hiện thủ đoạn các đối tượng yêu cầu người vay thế chấp hình ảnh, video “nhạy cảm”; các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” móc nối với các nhân viên bán hàng đa cấp dụ dỗ, lôi kéo công nhân mất việc làm, sinh viên tìm việc làm thêm vay tiền với lãi suất cao để mua các đơn hàng tham gia hệ thống đa cấp, sau đó đe dọa, khủng bố đòi nợ.

leftcenterrightdel
 Gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự - Ảnh minh họa

Các thủ đoạn phổ biến như cho vay không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân (CMND, số hộ khẩu, bằng lái xe, thẻ sinh viên…), không lập hợp đồng cho vay, thỏa thuận miệng, lập các hợp đồng không ghi lãi suất, lập hai hợp đồng, cộng dồn tiền lãi và tiền gốc thành tiền cho vay không lãi suất, thu thêm nhiều khoản phí trái phép (thực chất để lách quy định về lãi suất), trừ tiền lãi ngay từ đầu vào tiền gốc hoặc chia đều tiền gốc và tiền trả lãi hàng ngày; định ra các mức phạt rất cao nếu chậm trả nợ; yêu cầu người vay ký các giấy tờ thể hiện việc giao nhận tiền để thực hiện các thỏa thuận không có thật nhằm trói buộc người vay tiền về mặt pháp lý (như nhận tiền để xin việc, chạy dự án, dùng tiền vào các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL), bán tài sản nhưng thuê lại để sử dụng… nếu đến thời hạn trả nợ mà người vay không trả tiền thì họ sẽ tố cáo đến cơ quan pháp luật về các hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản); cho vay dưới hình thức hụi, họ (thực chất chỉ có chủ nợ và người vay tham gia dây họ), cho vay và nhận cầm cố thẻ ATM nhận lương hàng tháng của công nhân (kèm theo mật khẩu), nếu đến tháng bạn không trả nợ và lãi thì các đối tượng sẽ rút tiền từ ATM; cho vay để mua phân bón, vật tư, máy móc, nông cụ trả lãi bằng nông sản sau khi thu hoạch; đòi nợ bằng các hành vi gây phản cảm, phiền nhiễu, ảnh hưởng đến ANTT ném chất bẩn, chất thải, phun sơn, dán giấy đe dọa, tụ tập đông người dùng loa công suất lớn để đòi nợ; nhắn tin, gọi điện giả danh các cơ quan pháp luật để đe dọa truy tố nếu không trả nợ đúng hạn.

Ngoài việc các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” truyền thống nhỏ lẻ kết hợp sử dụng mạng xã hội để đăng tin, quảng cáo cho vay, nổi lên tình trạng các đối tượng thành lập, thu mua lại và thuê người đứng tên các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính với nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa sử dụng công nghệ cao (thông qua các website, phần mềm kế toán, ứng dụng quản lý bắt họ, quản lý của hàng cầm đồ như Mecash, icash.info...), hoạt động trên không gian mạng (qua website, mạng xã hội của cửa hàng) với thủ đoạn thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng, thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân của người vay. Một số đối tượng thành lập các công ty kinh doanh dịch vụ cho vay biến tướng bằng mô hình cầm đồ như: cầm đồ online, hợp tác, cung cấp khách hàng cho công ty cầm đồ; tạo lập ứng dụng để cá nhân đi vay và cá nhân cho vay tự do kết nối, thỏa thuận với nhau; hợp tác với bên thứ ba là đối tác giới thiệu khách hàng cho các công ty tài chính của hệ thống ngân hàng".

Tại Việt Nam, có hơn 100 công ty cho vay lấy danh nghĩa cho vay ngang hàng để cho vay trực tuyến (Vnson, sieudong, Eloan, Moneybank...), hầu hết có vốn nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Indonesia...) đăng ký hoạt động là dịch vụ tư vấn tài chính và kết hợp với các công ty, cửa hàng cầm đồ để thực hiện hoạt động cho vay tiền, thu hồi nợ. Các doanh nghiệp này thường đăng ký núp bóng thành các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cho vay theo mô hình hoạt động của công ty tài chính nhưng lại không có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp này thường tạo ra nhiều ứng dụng (app) cho vay với tên gọi khác nhau để hoạt động cho vay lãi nặng với thủ đoạn tương tự các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” dưới hình thức cho vay trực tuyến.

Lợi dụng hoạt động cho vay qua app, website phát triển, bên cạnh các ứng dụng, website cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch thì đã xuất hiện nhiều ứng dụng, website giả, nhái, sử dụng tên gọi, logo, giao diện, địa chỉ truy cập... giống hoặc gần giống các ứng dụng của ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính được cấp phép chính thống, ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản và có liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” (có khoảng hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến). Các ứng dụng thường xuyên được thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này yêu cầu người vay cho phép truy cập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội, hình ảnh... trong điện thoại di động, từ đó có thể sử dụng các dữ liệu này vào những mục đích trái pháp luật.

Tình tình hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Tính đến thời điểm tháng 9/2023, theo số liệu rà soát trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 129 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính có đăng ký kinh doanh đang hoạt động (giảm 238 cơ sở = 64,86% so với tháng 6/2019). Trong đó, có 19 cơ sở với 28 đối tượng có tiền án, tiền sự về các hành vi cố ý gây thương tích, giết người, cho vay lãi nặng... Các cơ sở cầm đồ đăng ký hoạt động chủ yếu tập trung ở các địa bàn thành thị, phát triển; một số cơ sở cầm đồ, tài chính có nhiều chi nhánh hoạt động trên nhiều địa bàn các huyện, thành phố, thị xã, hoạt động dưới hình thức cầm cố tài sản. Một số cơ sở cầm đồ ngoài lãi suất còn thu thêm nhiều khoản phí khác nhau nhằm lách luật, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý (F88 hoạt động với lãi suất 1.1%/tháng; phí thẩm định điều kiện vay: 1,4%/tháng; phí bảo quản tài sản 2,9% - 5%/tháng và nhiều khoản phí khác). Ngoài ra, toàn tỉnh có 103 đối tượng hoạt động cho vay trong nhân dân không đăng ký thuộc diện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen” trong đó có 40 đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự về các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cố ý gây thương tích, xâm hại sức khỏe người khác…

leftcenterrightdel
 Thượng tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo các đơn vị điều tra phá án trong đường dây cho vay lãi nặng. Ảnh đơn vị cung cấp.

Hiện nay, hoạt động “tín dụng đen” có một số diễn biến mới, đáng chú ý một hình thức cho vay mới xuất hiện và phát triển mạnh là hoạt động cho vay ngang hàng (hay còn gọi là P2P Lending, khác với các tổ chức tín dụng đen, các công ty P2P Lending không trực tiếp tham gia cho vay mà chỉ là đơn vị trung gian kết nối cộng đồng nhà đầu tư và các đối tượng có nhu cầu vay thông qua những nền tảng công nghệ hiện đại). Tuy nhiên, mô hình này chứa đựng rất nhiều rủi ro cho người tham gia: việc nhận tiền đầu tư và cho vay không qua trung gian tài chính nên khi xảy ra rủi ro các bên liên quan không chịu trách nhiệm hoặc không được giải quyết đền bù như thường lệ; các rủi ro như bên vay không trả được nợ hoặc công ty P2P Lending dùng tiền đầu tư sai mục đích, quản lý kém hoặc phá sản dẫn đến mất một phần vốn của nhà đầu tư; nguy cơ bị tấn công, sao chép dữ liệu, chiếm quyền điều hành... Hoạt động P2P Lending hiện nay có biểu hiện biến tướng của các hình thức “tín dụng đen”, đa cấp tài chính, cho vay tiền mà không gắn với việc thế chấp tài sản; lãi suất vay qua các công ty P2P Lending khoảng dưới 20%/năm/khoản vay nhưng phí cho mỗi khoản vay nếu cộng cả lãi và phí tính ra tỷ lệ % có thể lên rất cao, tới 30% - 50%/tháng.

Đặc biệt, theo xu thế dịch chuyển của tội phạm và (VPPL) liên quan hoạt động “tín dụng đen” hiện nay thì tại địa phương sự phổ biến nhanh chóng của hình thức “tín dụng đen” sử dụng công nghệ hoàn toàn cũng ngày càng len lỏi trong nhân dân. Hiện nay, qua rà soát trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chưa phát hiện thấy đối tượng, nhóm đối tượng nào cầm đầu các ứng dụng (app), website cho vay trên Internet tuy nhiên một bộ phận người dân lao động, cán bộ, công chức vẫn có hoạt động vay tiền trên các ứng dụng (app), các website cho vay trên Internet để phục vụ mục đích cá nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các loại hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, làm nhục người khác…tuy nhiên do tâm lý của người vay tiền lo sợ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày nên thường không trình báo các cơ quan chức năng về phương thức, thủ đoạn này. Thời gian dài có thể dẫn đến các hệ lụy không mong muốn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người vay hay lớn hơn sẽ ảnh hưởng chung đến tình hình ANTT.

Kiến quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm “tín dụng đen”

Để ngăn chặn, xử lý tội phạm “tín dụng đen”, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành mở đợt cao điểm tấn công tội phạm tín dụng "đen” trên toàn tỉnh. Trong đó, tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vay tài sản, thu hồi nợ, phương thức vay vốn tiêu dùng từ tổ chức tín dụng như: cho vay trực tuyến, cho vay tín chấp trên cơ sở ứng dụng dữ liệu dân cư…; các phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tín dụng "đen” để nâng cao tinh thần, ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho người dân, không rơi vào “bẫy” của tội phạm.

Lực lượng Công an tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, lĩnh vực, nhất là khu vực ở nông thôn, miền núi, khu công nghiệp, trên không gian mạng; phát hiện những biến tướng của hoạt động tín dụng “đen” trên từng lĩnh vực để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời…; quản lý chặt chẽ các loại đối tượng, băng ổ nhóm có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng ”đen”; các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật, cơ sở kinh doanh khác liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”. Tập trung triệt xóa các băng, ổ nhóm hoạt động có tổ chức, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, phường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động liên quan đến hoạt động tín dụng "đen”…Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng "đen” được triển khai từ nay đến 14/3/2024.

leftcenterrightdel
 Công an làm việc với Đặng Quang Nam  (SN 1990, trú huyện Đức Thọ) trong đường dây mua tài khoản chuyên dùng để quản lý dịch vụ tài chính trên trang web mecash.vn (nay đổi tên miền sang 1cash.info), thực hiện các hoạt động cho vay lãi nặng, mức lãi suất dao động từ 3.000 đồng/1 triệu/ngày đến 5.000đồng/1 triệu/ ngày. Ảnh đơn vị cung cấp.

Cho đến nay tình hình “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế, kiểm soát, không để phát sinh các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT, gây dư luận xấu trong xã hội. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố được 32 vụ - 63 bị can về các tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, Công an cấp tỉnh khởi tố 4 vụ, 7 bị can; Công an các đơn vị địa phương khởi tố 28 vụ, 56 bị can với các tội danh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả và tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen” trong đời sống xã hội là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân. Từ đó, góp phần lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, bảo đảm an ninh trật tự địa phương. Giải pháp đấu tranh với loại tội phạm “tín dụng đen” hiệu quả nhất là các cấp, ngành, đơn vị, địa phương cần chung tay thực hiện tốt những cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân về cho vay trong các giao dịch dân sự, về “tín dụng đen”, bẫy “tín dụng đen” cũng như những hệ lụy mà nó gây ra./.

Mẫn Phong