Hết sử dụng chất tạo nạc salbutamol trong chăn nuôi, tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng đến nhuộm măng tươi bằng hóa chất có nguy cơ gây ung thư… Chưa bao giờ người dân cảm thấy bất an với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) như hiện tại. Cùng với việc phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2016, Hà Nội cũng quyết tâm xử lý mạnh tay các sai phạm trong lĩnh vực này.

 


Có thể phạt đến 25 năm tù

Hà Nội là thị trường trung chuyển, tiêu thụ thực phẩm lớn nhất nhì cả nước, cũng là địa bàn có số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm “khổng lồ” với trên 58.000 cơ sở, do đó vấn đề ATVSTP càng trở nên bức thiết. Thời gian qua, thành phố đã rất nỗ lực triển khai công tác ATTP, nhờ đó đã hạn chế các vụ ngộ độc. Song cũng trong thời gian này hàng loạt vụ sai phạm về ATTP được phát hiện như tẩm hóa chất biến thịt lợn thành thịt bò, “phù phép” rau bẩn thành rau an toàn để tuồn vào các siêu thị, thậm chí nhiều đối tượng còn thu mua lợn chết, lợn ốm từ tỉnh khác đưa về Hà Nội tiêu thụ với khối lượng lớn...

Trước thực trạng đó, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay (từ 15-4 đến 15-5), Hà Nội sẽ tổ chức 6 đoàn thanh kiểm tra liên ngành ATVSTP, tập trung trọng điểm vào 2 mặt hàng rau, thịt. Cụ thể, các đoàn kiểm tra của thành phố cho đến quận, huyện, xã, phường sẽ tăng cường thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối cung ứng rau, thịt, nông sản.

Mục tiêu được đề ra là phải giải quyết căn bản vấn đề sử dụng chất cấm vào chăn nuôi; giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi. Dịp này, UBND TP Hà Nội cũng công bố Kế hoạch hành động “Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”, với mục tiêu cao nhất là ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản…

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, điều quan trọng nhất là phải biến khẩu hiệu, kế hoạch trên thành hành động cụ thể bằng những kết quả thanh kiểm tra. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tội phạm trong lĩnh vực thực phẩm nói riêng, hàng giả nói chung có thể bị phạt lên tới 25 năm tù giam. Luật cũng quy định rất rõ chỉ cần sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm thu lợi bất chính từ 50 triệu trở lên… đã có thể bị phạt tù.

“Mong muốn được sử dụng thực phẩm an toàn của người dân là chính đáng, việc cố ý kiếm lợi bất chính từ thực phẩm bẩn, đầu độc người dân là hành động không thể chấp nhận được nên chúng ta phải thực hiện thanh kiểm tra và xử lý thật nghiêm” - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Công khai tất cả sai phạm

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cần gắn trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương về ATTP chứ không đổ hết cho ngành y tế hay ngành nông nghiệp. Mặt khác, cần phải kiểm điểm, xử lý những địa phương làm không tốt, để xảy ra các sai phạm lớn trên địa bàn, có vậy các địa phương mới tích cực vào cuộc hơn, mới quyết tâm “tuyên chiến với thực phẩm bẩn”.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu - Trưởng Ban chỉ đạo ATVSTP TP cho biết, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng thì tất cả các hội ngành, đoàn thể, nhân dân phải cùng vào cuộc, đấu tranh, tố giác sai phạm về ATTP. Đặc biệt, phải làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP theo quy định của pháp luật.

Nhấn mạnh ATTP là vấn đề rất lớn và luôn “nóng bỏng”, tác động đến toàn bộ đời sống xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện, xã phường, Hà Nội đã yêu cầu rõ: Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải đi kiểm tra ATTP trực tiếp ít nhất 1 tuần/lần, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phụ trách ATTP phải đi kiểm tra ít nhất 3 tuần/lần. Nếu qua kiểm tra, phát hiện xã, phường, thị trấn nào không làm nghiêm túc thì sẽ nêu đích danh và xử phạt, kiểm điểm nghiêm khắc.

Riêng trong Tháng cao điểm hành động vì ATTP tới đây, ngoài các quận, huyện đang triển khai thí điểm mô hình nói trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu: tất cả Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố phụ trách ATTP phải trực tiếp đi kiểm tra ATTP ít nhất 2 lần/tháng; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải ít nhất đi kiểm tra ATTP 1 lần/tuần; Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phụ trách ATTP phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/tuần, ghi rõ vào biên bản ngày giờ đi kiểm tra để thành phố giám sát.

Đặc biệt, trong quá trình thanh kiểm tra, phát hiện sai phạm gì phải công khai, không bao che, giấu giếm. Mặt khác, thành phố cũng sẽ tuyên truyền những nơi, những địa điểm cung cấp thực phẩm an toàn để người dân yên tâm lựa chọn, không còn phải quá lo lắng vì “ăn cái gì cũng sợ”.
 

Theo ANTĐ

.