Gừng Trung Quốc vẫn được bày bán một cách nhỏ lẻ tại các chợ tại Hà Nội mà không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, giám sát. Còn người tiêu dùng thì đã bắt đầu e dè...

 


Điều đáng ngạc nhiên là những người bán hàng tại chợ này đã biết thông tin gừng Trung Quốc có độc nhưng vẫn bán tràn lan các loại gừng này thay vì buôn gừng VN về bán. Lý do của họ rất đơn giản là "chưa thấy ai đến cấm bán và gừng độc là ở trong Nam chứ Hà Nội chưa phát hiện gừng độc!?".

Có người còn "xập xí xập mầu" nói không bán gừng Trung Quốc dù sạp hàng có bán cả đống gừng củ to mướt, "cầm chắc" 100% là gừng Trung Quốc.

Dạo qua một số chợ khác như Thành Công, Ngã Tư Sở... chúng tôi cũng đều thấy gừng củ to, bóng đẹp của Trung Quốc được bán một cách bình thường. Lượng gừng bán không nhiều, đều bán kèm theo các gia vị khác như chanh, ớt, hành khô, tỏi khô, rau củ... Hầu như bà bán rau củ, gia vị nào cũng có gừng Trung Quốc để bán.

Chị Lan-một người bán rau củ ở chợ Ngã Tư Sở cho biết, sau khi thông tin gừng Trung Quốc có độc vỡ lở, chúng tôi cũng chỉ dám buôn ít về bán lẻ, vì người tiêu dùng đã bắt đầu e dè. Thay vì chọn các củ gừng to, bóng mượt, người mua chỉ chọn các củ gừng bé, sần sùi của VN; thậm chí có người hỏi mua, cầm gừng lên xem xét, ngắm nghía thấy gừng bóng đẹp lại bỏ xuống không mua nữa. "Mấy ngày này chúng tôi buôn có ít gừng bán cũng không hết"-chị Lan nói.

Thực chất nếu không có "kinh nghiệm" và... đọc báo thì cũng khó phân biệt đâu là gừng VN và đâu là gừng Trung Quốc. Người bán gừng đã để lẫn lộn hai loại gừng này với nhau để bán.

Bà Phương-nhà ở phố Đội Cấn (Ba Đình) cho biết, lâu nay đi chợ bà chỉ chọn mua gừng củ to, đẹp vì thấy dễ làm và nhìn củ gừng cũng bắt mắt thì mua. "Giờ tôi biết gừng Trung Quốc có độc nên tạm thời không dám ăn gừng nữa..."- bà Phương nói.

Tại các chợ đầu mối của Hà Nội, chúng tôi cũng thấy gừng của Trung Quốc được bày bán khá nhiều với mẫu mã đẹp. Chợ đầu mối Long Biên mỗi ngày có hàng chục xe gừng, hành, tỏi khô tập kết, trong đó lẫn lộn cả gừng ta và gừng tầu. Gừng từ chợ đầu mối này được đưa vào các chợ lẻ, đầu mối tiêu thụ lớn ở Hà Nội tiêu thụ.

Theo một số chủ hàng, gừng Trung Quốc bán ở chợ Long Biên hiện chỉ 12.000-14.000 đồng/kg, có giảm chút ít so với trước vì có thông tin gừng Trung Quốc có chất độc hại, người buôn đã dè chừng, nên cùng với giá thì lượng hàng về mấy ngày nay có giảm.

Chị Hòa-một chủ buôn ở chợ Long Biên cho biết, chị buôn hàng Trung Quốc đã mấy năm nay với đủ các loại hành, tỏi, gừng. Gừng Trung Quốc củ to, nhìn đẹp mã, vỏ mượt, nên được các nhà hàng, con buôn đặt mua.

“Gừng Trung Quốc giá cao hơn gừng VN dù gừng VN thơm hơn nhưng mẫu mã xấu, giá buôn lại cao nên khó bán, chỉ buôn lẻ tại các chợ lấy. Mỗi ngày tôi "đổ" trung bình 3-4 tạ hàng, còn lúc cao điểm có thể lên tới cả tấn các loại hành, tỏi, gừng Trung Quốc"- chị Hòa cho biết.

Trách nhiệm còn bỏ ngỏ...

Do thuế suất bằng 0 nên gừng nhập từ Trung Quốc đều thông qua chính ngạch và từ đầu năm 2013 đến nay đã có trên 330 tấn gừng Trung Quốc nhập khẩu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Lào Cai, trên 400 tấn qua cảng TP.HCM. Chưa kể, để tránh việc kiểm soát chất lượng thì các đối tượng còn nhập lậu các sản phẩm khô, trong đó có gừng để về VN tiêu thụ.

Tuy nhiên, khi hỏi về trách nhiệm quản lý hàng nông sản nhập lậu, như gừng từ Trung Quốc vào VN, ông Đỗ Thanh Lam-Phó cục trưởng Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, vì lợi nhuận cao nên các đối tượng làm ăn phi pháp không từ bất cứ thủ đoạn nào để kiếm lời. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát của chúng ta còn mỏng nên khi phát hiện sơ hở là bọn buôn lậu lợi dụng để buôn bán.

Theo ông Lam, nguyên nhân khác khiến việc kiểm soát thực phẩm, nông sản nhập lậu từ Trung Quốc gặp khó là vì lợi ích từ việc buôn lậu quá lớn; đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức, liều lĩnh; đường biên giới dài (gần 1.500 km), chạy qua 7 tỉnh, địa hình phức tạp; lực lượng chống buôn lậu mỏng, thiếu phương tiện...

Giá gừng nhập khẩu từ Trung Quốc (theo dữ liệu từ các cơ quan hải quan, suốt trong 2-3 năm trở lại đây), chỉ 2.000-3.000 đồng/kg, nên bán lẻ tới 20.000 đồng/kg là quá lãi. Các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, tình trạng nhập lậu thực phẩm, nông sản nói chung và gừng qua đường biên giới phía Bắc ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Vì vậy, tình trạng tuồn hàng Trung Quốc sang Việt Nam sẽ vẫn còn phức tạp.

Để tăng cường kiểm soát chất lượng các sản phẩm nhập từ Trung Quốc, theo Bộ Công Thương cần có sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu ngay từ khâu cấp phép, kiểm tra tại các siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền; đề nghị các cơ sở kinh doanh ký cam kết phân phối sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đủ chất lượng; khuyến khích người tiêu dùng mua thực phẩm sản xuất trong nước...
 

Theo Mai Hương
Dân Việt

.