Đó là phát biểu của Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam tại buổi tọa đàm do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam và Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã WCS (tổ chức phi chính phủ của Mỹ) phối hợp tổ chức về quản lý mẫu vật loài hoang dã thuộc các phụ lục CITES tại Việt  Nam, diễn ra tại Hà Nội ngày 10-9.


Ông Đỗ Quang Tùng-Giám đốc cơ quan quản lý CITES tại Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn, đấu tranh với nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bị coi là một trong những điểm trung chuyển và buôn bán trái phép mẫu vật của loài nguy cấp, quý hiếm lớn nhất thế giới, đặc biệt là ngà voi và sừng tê giác. Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng, lý do của thực trạng này vì sự lỏng lẻo trong quản lý của các cơ quan chức năng, trong đó nguyên nhân chính là hình phạt đối với loại tội phạm này còn nhẹ”.

Cũng theo ông Đỗ Quang Tùng tốc độ săn bắn, buôn bán trái phép xuyên biên giới các loài thuộc CITES ngày càng ra tăng, trong đó đặc biệt là ngà voi, sừng tế giác và hổ. Cụ thể, riêng tốc độ săn bán trái phép động vật hoang dã tăng đột biến từ năm 2008, từ vài chục các thể một năm lên đến trên 300 cá thể vào năm 2010, 450 cá thể vào năm 2011, 650 cá thể năm 2012, còn riêng 8 tháng đầu năm 2013 đã là hơn 600 cá thể.

Lý giải thực hư về công dụng được đồn thổi của sừng tê giác có khả năng chữa được ung thư, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết: “Bệnh ung thư hiện nay chỉ có 3 cách chữa và điều trị gồm phẫu thuật, truyền hóa chất và sử dụng một số loại thuốc làm giảm tốc độ phát triển của ung thư, còn lại chưa có trường hợp nào sử dụng sừng tê giác có thể chữa khỏi ung thư cả. Theo nghiên cứu của lương y Trần Văn Quản, sừng tê giác có tính lạnh, nam giới lại có tính nóng, khi uống sừng tê giác nóng lạnh xung khắc có thể dẫn đến tắc tử, trường hợp nhẹ có thể gây mất năng lực tự nhiên, mất hỏa tự nhiên cho người.

Về mặt lịch sử y học cổ truyền, từ nhiều năm trước khi chưa có Tây y, con người chưa sản xuất được các loại thuốc như hiện nay, họ phải tìm đến những nguồn dược liệu từ cỏ cây, thú vật để chữa bệnh. Mặc dù vậy, đến nay trong các sách về đông dược sừng tê giác chỉ được xếp vào loại thuốc thanh nhiệt, lương huyết, có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc dùng để chữa các bệnh sốt cao, hôn mê, nói nhảm, các hội chứng sốt huyết. Nhưng các bệnh này hiện nay, con người đã có quá nhiều thuốc đặc hiệu rất tốt, giá rẻ".

Chia sẻ thêm về giá trị y học của sừng tê giác, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: "Theo kết quả nghiên cứu ở Bắc Kinh, các nhà khoa học Trung Quốc đã khẳng định việc sử sừng tê giác có kết quả điều trị chủ yếu là hạ nhiệt và có tác dụng tương đương với sừng trâu. Do vậy, nếu thích sừng tê giác thà mua sừng trâu còn hơn”.
 

Theo Quang Tấn
Hải Quan

.