Trong khi nhiều loại xe ô tô cỡ nhỏ, phân khúc hạng C đang được các hãng giảm giá hàng chục triệu đồng/chiếc nhưng các đại lý bán xe vẫn vắng lặng. Nhiều chủ đại lý cho hay, lý do xe khó bán cho dù giảm giá mạnh là do tâm lý sợ xe mất giá nhanh, lỗi mốt của người tiêu dùng.
 


Trầy trật bán xe dù giá giảm hàng chục triệu đồng

Thực tế, từ tháng 3 trở lại đây, giá xe mới tại Việt Nam đã giảm rất mạnh, đi đầu là Madaz, tiếp đến là các dòng xe của Kia và Toyota… Những tưởng giá xe giảm nhanh, mạnh thì người dân sẽ tận dụng để mua ô tô nhưng thị trường lại trái ngược, lượng người mua xe cỡ nhỏ - phân khúc đang được giảm giá mạnh khá khiêm tốn; nhiều đại lý phải sử dụng nhiều chiêu kích cầu bằng khuyến mãi nhưng vẫn không ăn thua.

"Xe đang giảm giá mạnh khiến các đại lý phải trông nhau bán, cùng kỳ năm trước, giá xe phân khúc hạng C giá từ 600 triệu đồng đến 800 triệu đồng khá dễ bán song năm nay lượng xe đa dạng nên khách hàng lựa chọn nhiều dòng xe khác nhau. Vì vậy, chỉ cần bán chênh giá chút ít là đã khó có khách", ông Hùng, chủ đại lý ô tô trên đường Phạm Hùng cho hay.

Đơn cử như loại xe đang được quan tâm nhiều nhất hiện nay là Madaz 3, so với tháng 7/2016, giá bán lẻ của dòng xe này dao động từ 700 triệu đến 800 triệu đồng/chiếc, nhưng hiện mức giá dòng xe này đã giảm từ 15 - 40 triệu đồng/chiếc.

Cũng tương tự là dòng xe Kia Cerato, mức giá bán lẻ xe trong tháng 7/2016 dao động từ 600 đến gần 730 triệu đồng/xe, sau 1 năm giá bán lẻ dòng xe này cũng giảm khoảng 30 - 40 triệu đồng/chiếc.

Hay dòng xe Toyota Altis, bản thấp nhất giá hơn 747 triệu đồng đến hơn 930 triệu đồng trong tháng 7/2016, nhưng sau 1 năm, giá đã giảm từ 30 - 37 triệu đồng/chiếc.

Bên cạnh đó, có Hyundai Elanta cũng có mức giá tương tự dao động từ 700 đến 800 triệu đồng (lăn bánh). Ngoài 3 thương hiệu hay được lựa chọn nhiều nhất còn có Ford Focus và Mitsubishi Attrage...

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Dân Trí, dù mức giá các loại xe trên có giảm mạnh so với giá bán lẻ của nhà sản xuất đưa ra nhưng lượng mua không tăng.

Anh Hậu, khách đang tìm mua xe tầm 600 đến 800 triệu đồng cho hay: Phân khúc xe hạng C hiện có quá nhiều mẫu, để mua xe anh đã tìm hiểu và tìm tư vấn cả tháng để lựa chọn. Tuy nhiên, giá hiện thay đổi quá nhanh, nên phải cân nhắc để tránh những dòng xe mất giá quá nhanh, lỗi mốt.

Mất giá, nỗi sợ của người tiêu dùng

Trên thực tế, các dòng xe hạng C đều có sự giảm giá để thu hút được khách hàng, chính việc các hãng cạnh tranh về giá để giành thị phần, chiếm thị trường đối thủ cũng tạo tâm lý dao động cho người tiêu dùng.

Thống kê, từ năm 2015 - 2016, chỉ 6 dòng xe giá dao động từ 600 triệu đến 800 triệu đồng được bán ra thị trường, đến nay, con số đó đã là 8 dòng xe của các hãng khác nhau, cùng với mỗi xe có một đặc tính, sự ưu việt khác nhau. Chính vì thế, đây là điều kiện để đa dạng sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Đồng nghĩa với sự đa dạng về chủng loại, dòng xe thì cuộc chiến về giá ở phân khúc này cũng đang diễn ra khốc liệt. Nằm trong cùng phân khúc xe giá trung bình nên các đại lý cũng mạnh tay chiết khấu giá xe cho người mua, mức giảm trung bình từ 10 - 20 triệu đồng/xe. Mức giá này nhiều đại lý cho biết không có lãi mà chủ yếu chỉ bán đủ doanh số để hưởng hoa hồng nhà phân phối.

Đặc biệt, xe Mitsubishi Attrage có mức giá rẻ nhất trong cùng phân khúc giá trung bình, rẻ tương đương để cạnh tranh được với cả xe Vios của Toyota, vốn được mặc định là xe giá rẻ nhất của Toyota, để phục vụ mục đích thương mại.

"Mức giá xe rẻ và giảm nhanh, trong đó có nhiều dòng xe phân khúc giá trung bình khiến dư luận nghi ngờ về năm 2018 xe này sẽ rẻ hơn nữa. Niềm tin của họ chủ yếu dựa vào việc xe nhập khẩu được bỏ thuế nhập, các đề xuất bỏ thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với linh kiện xe dưới 2.0L lắp ráp tại Việt Nam, điều này sẽ khiến xe ngày càng rẻ hơn", anh Huân, chủ đại lý ô tô tại Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy) cho hay.
 

Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí

.