(BVPL) - Năm 2017, ngành Nông nghiệp Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức. Xuất khẩu nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe, sự cạnh tranh gay gắt trên các thị trường nước ngoài. Cùng với đó, giá nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường nhập khẩu nhu cầu dần bão hòa và tăng cường bảo hộ mậu dịch.

 


Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng được dự báo sẽ có nguy cơ chịu nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu, thực tế ngành hàng chăn nuôi vừa qua là một ví dụ. Bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu cùng mặt hàng, nông sản Việt cũng phải đối mặt với những rào cản về kỹ thuật của một số nước nhập khẩu.

Theo Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Quốc hội đánh giá, hiện nay rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu. Cụ thể, sản phẩm thủy sản Việt Nam nói chung và các sản phẩm có thế mạnh như tôm, cá tra chưa xây dựng được thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu, chưa có chiến lược tuyên truyền quảng bá dài hạn nên dễ yếu thế bởi các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí của các đối thủ cạnh tranh.

Trước thực trạng nhiều mặt hàng rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa sau một thời gian tăng trưởng nóng, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Vừa qua, chúng ta phải giải cứu thịt heo, nay có thể tiếp tục phải giải cứu gà. “Sở dĩ phải giải cứu là do lâu nay ta hay chạy theo sản lượng mà không chú trọng nhiều đến chất lượng. Cần phải thoát khỏi tư duy này, đồng thời xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn” - ông Thiên nói.

Dự báo, thị trường nông sản quốc tế năm 2017 tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị. Tăng trưởng tiêu dùng sẽ chậm lại so với thời kỳ trước, giá nông sản thực tế có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian dài, năng suất sẽ là động lực chính cho sản xuất lương thực, thức ăn chăn nuôi và phát triển cho nuôi trồng thủy sản.

Để nông nghiệp Việt Nam vượt qua những thách thức trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chúng ta cần xác định lại động lực chính để thúc đẩy nông nghiệp đi lên đó là năng suất và chất lượng. Đồng thời, xác định vị thế của từng ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực phát triển. Cùng với đó là xác định lại cơ cấu thị trường cho từng ngành hàng nông sản, xây dựng thương hiệu nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. “Để nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành hàng, vượt qua những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe cũng như chống lại những “cú sốc” mà thị trường thế giới mang lại cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các nông sản xuất khẩu chủ lực, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu cho nông sản và có các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu” - Viện trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định.

Khắc phục khó khăn, thách thức, tìm ra giải pháp cho từng ngành hàng là những việc làm cần thiết và cấp bách của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả những hộ nông dân vì mục tiêu chung là phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
 

PV

.