Giá thực phẩm tại các chợ lẻ đã giảm xuống mức thấp nhưng vẫn ế ẩm. Có thể nói, giá giảm không giúp sức mua tăng, bởi người tiêu dùng dường như chỉ mua những gì thật cần thiết.

 


8 giờ sáng ngày cuối tuần đầu tháng 6, chợ trung tâm quận Thủ Đức vắng khách lạ thường. Dọc các dãy hàng thực phẩm tươi sống, rau củ, tiểu thương vẫn còn rảnh rang, buôn chuyện qua lại. Thi thoảng mới có một vài bà nội trợ lui tới các sạp nhìn ngó, xách một vài miếng thịt, con cá cho vào túi xách. Theo chị Hường, tiểu thương bán thịt, tình hình chợ ế ẩm diễn ra từ sau tết đến nay, ngày cuối tuần còn hơi đông chứ các ngày trong tuần chỉ có lèo tèo khách tới mua sắm. “Có hôm nhìn được thông suốt từ đầu chợ đến cuối chợ. Không hiểu người dân họ lấy gì ăn hàng ngày nữa mà chẳng thấy mấy người đi chợ. Bây giờ có đi thì cũng chẳng ai ra khỏi chợ mà xách một xách hàng nặng lặc lè như trước nữa”, chị Hường tâm sự.

Giá giảm nhiều

Giới tiểu thương cho biết thịt gia cầm, thịt heo, gạo là ba mặt hàng ế ẩm nhất hiện nay. So với hồi đầu năm, giá ba mặt hàng này có thời điểm trong tháng 5 giảm tới 20 – 40% nhưng chợ vẫn ế ẩm.

Giá thịt heo phổ biến ở các chợ lẻ đang ở mức 65.000 – 85.000 đồng/kg, giảm 10.000 – 20.000 đồng so với hồi đầu năm nay. Tại chợ Cây Quéo và chợ Cầu Đỏ (Bình Thạnh), tiểu thương cho biết giá một số loại thực phẩm tươi sống có giảm hơn so tháng trước như thịt nạc đùi heo 75.000 đồng/kg, thịt giò heo chỉ 65.000 đồng/kg, cá cam, cá hường 50.000 đồng/kg, cá thu Nhật tháng trước khoảng 40.000 đồng/kg, nay còn 35.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng rau củ, có khá nhiều loại đang giảm giá như rau muống còn 3.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng, rau lang còn 5.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng, rau má 8.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt giảm từ 20.000 đồng còn 18.000 đồng/kg... Theo đánh giá của tiểu thương, rau củ tăng, giảm giá vô chừng, nhất là hiện đang vào đầu mùa mưa, nhiều loại rau tăng giảm giá tuỳ theo thời tiết, nên khó dự đoán sắp tới giá loại nào tăng, loại nào giảm. Ngoài ra, mặt hàng gạo cũng trong tình trạng cung vượt cầu, giá giảm 2.000 – 5.000 đồng/kg, đặc biệt là các loại gạo thường chỉ còn có giá 8.000 – 9.000 đồng/kg, gạo thơm phổ biến từ 12.000 – 16.000 đồng...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức, cho biết sản lượng rau củ về chợ trung bình mỗi đêm vẫn ở mức trên 3.000 tấn, phiên chợ nào cũng xảy ra tình trạng dư thừa, tiểu thương phải bán đến quá trưa, có phiên sản lượng rau đổ bỏ khá lớn.

Khách mua ít

Theo tiểu thương, thịt cá giảm giá nhưng lượng tiêu thụ ít, một phần do sức mua giảm, một phần do các siêu thị cũng đang ồ ạt đưa ra giá khuyến mãi để thu hút khách. Chị Thuỷ, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1 nói rằng, khác hẳn với trước đây chỉ cần đứng bán là có người tới hỏi mua, bây giờ muốn bán được hàng thì tiểu thương phải đon đả chào mời, có khi là giành giật khách của nhau.

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan cũng nhìn nhận việc chỉ số giá tiêu dùng trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm giảm lần lượt 0,49, 0,44 và 0,66% liên tục trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5 cho thấy sức mua của toàn thị trường đã quá kiệt quệ. Nhiều tháng qua, doanh nghiệp không nhìn ra biểu hiện khởi sắc của thị trường tiêu thụ, cho dù các giải pháp giảm giá, khuyến mãi để kích cầu, tăng sức mua đã được áp dụng. “Sức mua càng giảm thì cung càng dư thừa, tồn kho càng lớn. Giờ đây người tiêu dùng chỉ mua những gì thật cần thiết chứ không xài rộng rãi nữa”, ông Mười phân tích.

Còn theo chị Minh, nhà ở phường Linh Trung, Thủ Đức cho hay, hai vợ chồng là công chức, thu nhập tháng được ngót nghét 7 triệu đồng, phải nuôi hai con ăn học cấp 1 và 2. Vợ chồng cũng có được vài trăm triệu của bố mẹ cho gửi ngân hàng. Trước đây lãi suất cao 18 – 20%/năm hàng tháng còn có thêm đồng ra đồng vào, mấy tháng nay lãi suất hạ, tiền lãi thu về còn hơn 1 triệu, cộng với lương tháng chỉ đủ trang trải tằn tiện. “Giá giảm thì mừng, nhưng tôi cũng không vì thấy giá giảm mà dám mua hàng nhiều lên”. Không ít bà nội trợ chọn cách chi tiêu như chị Minh.
 

Theo Hoàng Bảy – Các Ngọc
SGTT

.