Thời tiết bất lợi khiến cua biển khan hiếm, cộng với việc thương lái Trung Quốc tranh nhau gom hàng đã tạo nên cơn sốt chưa từng có về giá.

 


Anh Trần Văn Cuộc ở xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn thì đang tính toán chuyện mua sắm thêm các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho sinh hoạt gia đình sau vụ thu hoạch. “Cua biển là loài dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp. Nếu trừ đi chi phí hơn 5 triệu đồng tiền con giống lúc đầu năm, thì hiện tại tôi còn thu lời hơn 40 triệu đồng”, anh Cuộc cho biết.

Theo Phó phòng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn huyện Năm Căn - Trương Quốc Duẫn, địa phương có diện tích nuôi cua biển xen canh trên đất nuôi tôm lớn nhất tỉnh, với hơn 22.000ha. “Giá cua đang tăng cao trong khi nông dân không có hàng để bán”, ông Duẫn nói và cho biết, thị trấn Năm Căn có hàng chục vựa thu gom cua biển lớn nhỏ. Các vựa này chủ yếu có mối làm ăn với các thương lái Trung Quốc. Hiện tại do khan hiếm nguồn hàng, nên ai cũng tranh thủ đẩy giá lên cao để gom được nhiều hàng cung ứng cho đối tác.

Tổng thư ký Hội Chế biến thuỷ sản tỉnh Cà Mau - Ngô Thanh Lĩnh phân tích, giá cua biển thương phẩm đang tăng cao là do cung thua cầu. “Thị trường chính của con cua biển Cà Mau vẫn là Trung Quốc. Như các năm trước, vào thời điểm này giá cua xuống thấp ở mức chạm đáy vì thương lái Trung Quốc dừng thu gom. Riêng trong năm nay, số lượng thu mua của họ không những giảm mà còn tăng lên, khiến giá cua trên thị trường cao từng ngày”, ông Lĩnh nói.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau - Châu Công Bằng cho biết, ngoài diện tích nuôi cua thâm canh, hầu hết diện tích rừng - tôm và nuôi tôm quảng canh cải tiến đều được người dân thả cua, cá nuôi xen canh trên cùng diện tích với con tôm.

“Có thêm thu nhập nên diện tích nuôi cua trên đất nuôi tôm không ngừng được mở rộng. Chúng tôi đang tìm kiếm thêm thị trường để con cua biển Cà Mau có thể đi xa hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân trong tỉnh”, ông Bằng nói.
 

Theo vnexpress

.