(BVPL) - Ngày 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013. Báo cáo cho biết nền kinh tế đang có chuyển biến tích cực nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo của Chính phủ - Ảnh: Tuổi trẻ |
Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cảnh báo “Tâm lý xã hội và niềm tin của thị trường vẫn đang diễn biến, nếu giải quyết chậm khó khăn sẽ kéo dài và phức tạp hơn trong năm tới”.
“Có thể thấy áp lực rất lớn để có thể đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2012” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận.
5 chỉ tiêu cơ bản không đạt
Theo tính toán của Chính phủ, trong số 15 chỉ tiêu nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, dự kiến có năm chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng (GDP), tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỉ lệ hộ nghèo và tỉ lệ che phủ rừng. Trong đó, GDP năm 2012 chỉ tăng 5,2% (chỉ tiêu đặt ra là 6-6,5%).
Báo cáo của Chính phủ liệt kê nhiều hạn chế, bất cập là: kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc, vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại. Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn, tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết. Khu vực doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm; chỉ số phát triển công nghiệp tăng chậm và còn thấp; sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao. Đời sống của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn. Trước tình trạng như vậy, ông Vinh cho biết Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2013 tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012 (GDP tăng khoảng 5,5%, lạm phát tăng 7-8%).
“Lối ra chưa rõ”
“Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nêu báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, số liệu báo cáo còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết. “Đọc báo cáo thì thấy tình hình cũng khá rõ, nhưng lối ra lại chưa rõ” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận.
Cũng đánh giá tình hình đáng lo ngại, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích: “Năm nay ngân sách chỉ thu đạt dự toán, trong khi các năm thu vượt 50.000 tỉ đồng là bình thường, đây là năm thu ngân sách khó khăn nhất trong nhiều năm qua. GDP 2013 Chính phủ nói tăng 5,5%, tôi cho rằng chỉ nhích lên tí thôi, chứ không có gì đột biến. Sức mua chưa tăng nhiều được, tình trạng doanh nghiệp khó khăn, đình đốn sản xuất cũng chưa thể vực dậy ngay được. Do đó, nợ xấu ngân hàng cũng chưa thể cải thiện được”.
Dư nợ ngân hàng: bất động sản chiếm 1 triệu tỉ đồng
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhận định có nhiều chỉ số chín tháng vừa qua cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh. “Hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia” - ông Nguyễn Văn Giàu nói. Theo ông Bùi Quang Vinh, chỉ số tồn kho tính đến tháng 9: công nghiệp chế biến chế tạo tồn 20,4%, sản phẩm từ nhựa tồn hơn 50%, ximăng hơn 50%, sắt thép trên 40%, thuốc lá hơn 40%, may mặc gần 40%, gia cầm và thủy sản 34%, tồn kho bất động sản cũng là vấn đề rất lớn.
Ủy ban Kinh tế đề nghị “khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là hàng tồn kho và nợ xấu”. Tồn kho càng lớn thì nợ xấu càng tăng. Do vậy, giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay”. Ủy ban này cũng yêu cầu “Ngân hàng Nhà nước xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; xử lý nợ xấu trên nguyên tắc ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm, tự chủ động giải quyết. Sớm có những giải pháp hữu hiệu đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế”.
“Tôi được biết dư nợ ngân hàng khoảng 2 triệu tỉ đồng thì bất động sản đã 1 triệu. Đây là lĩnh vực chôn tiền nhiều nhất, cần phải giải quyết. Nhà cửa làm ra không bán được thì ngành sắt thép, ximăng cũng chôn ở đấy. Chính phủ phải phân tích được tình trạng tồn kho trong bất động sản, phải đưa ra các giải pháp cụ thể để nó chạy, chứ cứ nói tăng cường, đẩy mạnh mà không rõ thì rất khó” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên tiếng. Ông Hùng gợi ý báo cáo của Chính phủ phải khẳng định được đến giữa năm 2013 tồn kho giảm bao nhiêu, nợ xấu giảm bao nhiêu. Ngân hàng cần phải tăng cho vay, kể cả cho vay tiêu dùng để kích cầu.
Chưa thể tăng lương trong năm 2013?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết theo lộ trình cải cách tiền lương thì từ ngày 1-5-2013, lương tối thiểu trong khu vực nhà nước sẽ tăng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng (hiện nay 1,05 triệu). Để đáp ứng nhu cầu này ngân sách phải chi khoảng 60.000-65.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do năm 2012 là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây, dự báo các tháng cuối năm thu rất khó khăn, phấn đấu cả năm thu chỉ đạt dự toán và tình hình thu ngân sách năm 2013 vẫn tiếp tục khó khăn.
“Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước, năm 2013 Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình” - ông Huệ nói.
Nêu quan điểm trước vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết ủy ban này có nhiều ý kiến khác nhau. “Cũng có ý kiến đồng tình với Chính phủ, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị để góp phần bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức và người lao động hưởng lương, cần thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% từ 1-5-2013” - ông Hiển nói. Theo ông, tìm nguồn ngân sách để tăng lương cũng là một trong các yếu tố kích hoạt tiêu dùng, giải quyết tình trạng tồn kho. Mà kích hoạt tiêu dùng thông qua tăng lương là đúng hướng vì đã có lộ trình rồi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng “nói không tăng lương mà không có hứa hẹn gì thì không nên. Có thể cắt bớt, tiết kiệm bớt các khoản chi khác để tăng lương, ít nhất là phải tăng cho một số đối tượng đang hưởng lương ở mức thấp. Cứ nói là phải kích hoạt tiêu dùng, nhưng kích hoạt mà không có tiền thì lấy đâu mà đi chợ?”.
“Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã trình phương án lương tối thiểu thấp nhất tăng từ 1,4 lên 1,7 triệu đồng/tháng, vậy bao giờ thực hiện?” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hỏi. Vị đại diện Bộ Lao động - thương binh và xã hội đáp rằng dự kiến trong tháng này Chính phủ sẽ bàn để công bố và thực hiện từ 1-1-2013, còn mức cụ thể nào Chính phủ chưa quyết. Bà Mai đề nghị Chính phủ nên đánh giá sâu sắc hơn đời sống người dân trong năm 2012, rồi bước sang năm 2013 ra sao? Riêng chuyện lương đã thấy khó rồi. “Tôi nghĩ mình công bố lên người dân sẽ chia sẻ với khó khăn của Nhà nước. Hiện 7 triệu người hưởng lương nhà nước, 15 triệu người hưởng lương trong khu vực doanh nghiệp, như vậy có 22 triệu người chịu tác động của việc chưa tăng lương. Lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp cần được Chính phủ quyết sớm để doanh nghiệp chuẩn bị, hoặc nếu không tăng cũng phải thông báo cho người lao động chuẩn bị tinh thần” - bà Mai đề nghị.
|
Theo Thanh niên