Mới xuất hiện tại TP.HCM chưa đầy hai tuần, đại lý chưa kịp khai trương, giá bán cũng khá cao (40.000-45.000đ/kg) nhưng hàng tấn gạo thảo dược (ảnh) đã được bán hết với lý do sản phẩm này có chất kháng ung thư.


Tin tới đâu?

Giá bán của loại gạo này khá cao, mua tại đại lý 40.000đ/kg, giao tận nhà 45.000đ/kg. Giải thích nguyên nhân giá bán cao, ông Phong cho rằng, nếu so với một số loại gạo dài ngày của các dân tộc thiểu số có giá 50.000 - 60.000đ/kg thì mức giá này không cao. Xét về mặt canh tác, vùng nguyên liệu… thì chi phí sản xuất gạo thảo dược cao hơn các loại gạo thông thường vì phải bao tiêu cho người trồng, hơn nữa hiện mới chỉ có Nghệ An là vùng đất phù hợp nhất, chi phí vận chuyển vào TP.HCM tương đối cao. “Trong tương lai, nếu xây dựng được mạng lưới phân phối cấp 2, cấp 3, giá bán có thể hạ và tiến tới đưa vào siêu thị, giá thành có thể hạ thêm”, ông Phong cho biết.

Theo kết quả kiểm định của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng được Công ty TNHH khoa học công nghệ Vĩnh Hòa, chủ sở hữu giống lúa thảo dược công bố thì hàm lượng canxi: 16,6, hàm lượng sắt: 1,1, hàm lượng vitamin A: 57, hàm lượng omega 9: 1.290, hàm lượng omega 6: 6,5. Đây là cơ sở để đơn vị giới thiệu loại gạo trên giàu vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vitamin A, B (B1, B2, B6), lipit, chất xơ, chất omega chống ung thư, chống loãng xương; khi ăn làm quên cảm giác đói, rất có lợi cho người thừa cân…

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, cá nhân bà chưa kịp cập nhật thông tin về loại gạo này. Trên diễn đàn của Trung tâm hay Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chưa thấy đề cập đến loại gạo thảo dược này. Theo bà Diệp, những loại gạo có bổ sung các loại chất trên thị trường thế giới đã xuất hiện từ lâu, chẳng hạn loại gạo bổ sung vitamin A, khi ăn có tác dụng chống khô mắt. Ở Việt Nam hiện có loại gạo bổ sung sắt, nhưng mới ở mức độ nghiên cứu. Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cũng từng nghiên cứu loại lúa mầm có hàm lượng dinh dưỡng cao tại An Giang nhưng cũng chưa phổ biến rộng rãi.

Nguyên lý cơ bản của các loại gạo chức năng dựa trên hàm lượng dinh dưỡng là dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe, phòng ngừa, giảm nguy cơ bệnh tật chứ ăn để không bị ung thư là không thể. “Người tiêu dùng nên biết một điều là không thể ăn cái gì mà hết ung thư được cả. Nếu ăn gạo để chống ung thư nhưng lại ăn những thực phẩm mất an toàn khác cũng hoàn toàn vô tác dụng”, BS Diệp nói.
 

Theo Đăng Thư
Phụ nữ TPHCM

.