Hàng trăm ngàn tấn thịt gà đông lạnh (chủ yếu là đùi gà) nhập khẩu từ Mỹ được bán với giá siêu rẻ 20.000 đồng/kg đang khiến thị trường thịt gà trong nước xao động. Giá rẻ và dễ bảo quản nên gà đông lạnh nhập khẩu được quán cơm ưa chuộng.

 


Với giá rẻ hơn từ 40-50%, các sản phẩm thịt gà cùng loại trong nước bị đè bẹp ngay trên sân nhà. Thị trường thịt gà tươi trong nước, do vậy ngày càng bị thu hẹp trước sức tấn công của gà ngoại nhập. Một con số không thể không quan tâm, năm 2014, Việt Nam nhập 90.000 tấn thịt gà và phụ phẩm gà các loại, chiếm 25% tổng lượng gà công nghiệp toàn quốc.

Thịt gà nhập khẩu tăng và giá không ngừng hạ xuống đã kéo theo giá cả thịt gà trong nước giảm thê thảm. Theo các chuyên gia, giá gà trong nước từ đầu năm đến nay chỉ dao động ở mức 21.000-22.000 đồng/kg, thấp hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Người chăn nuôi gà buộc phải bán lỗ 4.000-5.000 đồng/kg nghĩa là lỗ khoảng 10.000-12.500 đồng một con gà. Hiện nay, các trang trại gà cả nước đưa ra thị trường 550.000 con gà. Nếu tính thời gian 5 tháng đầu năm, số tiền lỗ cũng tròm trèm 1.000 tỷ đồng. Một con số khủng khiếp. Nhiều trang trại gà đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Kinh tế thị trường khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh bằng giá cả. Nhưng kinh tế thị trường cũng đòi hỏi nhà nước phải đưa ra lời giải cho bài toán vĩ mô, cân đối xuất nhập khẩu để bảo vệ nền sản xuất nội địa non trẻ, bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp trong nước và lợi ích người nông dân, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng trong nước. Riêng với thịt gà nhập từ nước ngoài, các cơ quan chức năng phải trả lời được câu hỏi: vì sao giá đùi gà nhập từ nước ngoài, nhất là Mỹ lại có giá rẻ bất ngờ như vậy? Có điều gì bất thường ở đây? Trong khi giá bán thịt gà tại Mỹ cũng tương đương giá tại Việt Nam. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Đây có phải là những lô hàng nhập khẩu gian lận thương mại, cận và sắp hết hạn sử dụng được bán đổ bán tháo vào Việt Nam với giá rẻ hay không? Liệu Việt Nam có trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm “thải loại của thế giới”. Hay gà giá rẻ tuồn vào theo một mánh gian lận thương mại nào khác mà ta chưa phát hiện được? Và làm thế nào để ngăn chặn nó?

Đó là trách nhiệm của vĩ mô.

 

Theo Người tiêu dùng

.