Hiện tại, các siêu thị (ST) trên địa bàn tỉnh có nhu cầu lớn hàng rau, củ, quả tươi sống nhưng nông sản (NS) trong tỉnh lại chưa thể đáp ứng. Nhằm tăng lượng NS sạch để có đủ tiêu chuẩn “chen chân” vào ST, giúp người dân ổn định cuộc sống, các ngành chức năng, đơn vị và người trồng NS đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất.

 

Theo Sở Công thương, sở đang phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tìm thêm đầu ra cho NS trong tỉnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm đến việc giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho HTX, cơ sở sản xuất dưới nhiều hình thức. Cụ thể, hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu đạt tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn quy trình sản xuất theo công nghệ, kỹ thuật mới. Từ đó giúp người dân tăng năng suất, chất lượng NS để đáp ứng được lượng hàng và yêu cầu từ các nhà bán lẻ.

Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết để NS trong tỉnh xuất hiện nhiều hơn tại các ST, trước hết các cơ sở, HTX sản xuất cần bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, số lượng, chất lượng, giá thành; đồng thời cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng chăm sóc, đẩy mạnh cơ giới hóa và công nghệ bảo quản các sản phẩm sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, rau an toàn... Sở cũng đang nỗ lực hướng dẫn người dân phát triển sản xuất các mặt hàng NS theo tiêu chuẩn VietGAP, rau an toàn. Sở còn phối hợp với Sở Công thương làm “cầu nối” giúp các sản phẩm NS trong tỉnh tiếp cận nhiều hơn với các ST trong và ngoài tỉnh.

Về lâu dài, thị trường cho NS có nhãn hiệu của tỉnh phải hướng vào ST và thị trường các thành phố lớn. Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, người làm NS cũng cần chủ động tiếp cận kiến thức mới, cách làm mới hiệu quả, phù hợp với đòi hỏi của thị trường để NS có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 

Theo Báo Bình Dương
 

.