Đưa hoa về đất nghèo
Cập nhật lúc 16:29, Thứ hai, 07/03/2016 (GMT+7)
Đam Rông là một huyện nghèo của Lâm Đồng. Vì lẽ đó, lãnh đạo huyện đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tìm những hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Gia đình chị Đoàn Thị Thu Hà (thôn 3) là hộ dân đi đầu trong việc đưa cây hoa cẩm tú cầu về trồng tại xã Liêng S'rônh. (Tây nguyên, hoa cẩm tú cầu, Lâm Đồng)
Đam Rông là một huyện nghèo của Lâm Đồng. Vì lẽ đó, lãnh đạo huyện đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tìm những hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Gia đình chị Đoàn Thị Thu Hà (thôn 3) là hộ dân đi đầu trong việc đưa cây hoa cẩm tú cầu về trồng tại xã Liêng S’rônh.
Thực tế, từ nhiều năm nay, cây hoa cẩm tú cầu đã được nhiều hộ dân ở các địa phương trong và ngoài tỉnh lựa chọn trồng. Tuy nhiên, đối với xã Liêng S’rônh nói riêng và huyện Đam Rông nói chung thì mô hình trồng cẩm tú cầu của gia đình chị Đoàn Thị Thu Hà là đầu tiên. Chị Hà chia sẻ: “Gia đình mẹ chị trồng hoa công nghệ cao ở thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), được mẹ gợi ý đưa giống cẩm tú cầu về trồng thử trên đất nghèo Đam Rông. Do Đam Rông là vùng đất cát bạc màu, năng suất trồng cà phê thấp, đầu năm 2015, chị quyết định phá bỏ 2 sào cà phê để chuyển sang trồng cẩm tú cầu. Chị đã đầu tư 60 triệu đồng để mua giống hoa, đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tự động. Chỉ sau 6 tháng kể từ khi trồng, cây hoa cẩm tú cầu bắt đầu cho thu hoạch. Cẩm tú cầu là loại hoa đang được thị trường ưa chuộng, ít người trồng, lại đầu tư ít, giá thành cao, hoa ít bị sâu bệnh, nên lợi nhuận mang lại khá cao”.
Hiện nay, bình quân mỗi tuần, gia đình chị Hà cắt hoa 2 lần, mỗi lần từ 200- 250 bông, với giá bán hiện nay khoảng 3.000-5.000đồng/bông. Cẩm tú cầu có đặc tính nở hoa quanh năm và cho thu hoạch liên tục trong nhiều năm liên tiếp.
Không còn xa lạ với người dân vùng đất Nam Tây nguyên, cẩm tú cầu là loại hoa không chỉ làm đẹp cho nhà cửa mà còn cho những con đường, góc phố; đặc biệt cẩm tú cầu còn là sản phẩm hoa khô xuất khẩu nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Do hoa cẩm tú cầu đang có nhu cầu cao trên thị trường, nên cây trồng này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho gia đình chị Hà và những nông hộ khác ở vùng cao Đam Rông. Chị Hà cho biết: “Tuy hiện nay giá thành hoa cẩm tú cầu giảm hơn trước, song nó vẫn mang lại hiệu quả kinh tế. Nếu hình thành được vùng chuyên canh cây hoa cẩm tú cầu thì thị trường sẽ rộng mở hơn cho người nông dân khi có xe đến tận nơi thu mua. Sắp tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 sào hoa và sẽ khuyến khích bà con quanh vùng trồng loại hoa này để kinh tế ổn định hơn”.
Ông Liêng Hót Ha Lin - Phó Chủ tịch UBND xã Liêng S’rônh, ghi nhận: “Mô hình trồng cây hoa cẩm tú cầu của gia đình chị Đoàn Thị Thu Hà đã được chính quyền xã Liêng S’rônh đánh giá là mô hình mới và có hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Cũng qua đó, mở ra hướng làm ăn cho nhiều hộ dân ở xã Liêng S’rônh cùng trồng hoa cẩm tú cầu với quy mô lớn hơn để có thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Đặc biệt, góp phần tạo thế đa cây trồng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đây là mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, chính vì vậy trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục xem xét và nhân rộng mô hình này với nhiều hộ gia đình khác tại các thôn trên địa bàn xã”.
Theo Báo Lâm Đồng
.