(BVPL) - Đến thời điểm này, người dân tại 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp (Đăk Lăk) đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ dưa hấu với một vụ mùa bội thu. Khác với những năm trước, vụ dưa hấu năm nay, người dân nơi đây đang phải đối mặt với một thực trạng đáng buồn đó là giá dưa hấu “rẻ như bèo, bán như cho”… Nguyên nhân được xác định là đo người dân ồ ạt trồng loại cây này, không tính trước được đầu ra cho sản phẩm của loại cây này.
Ở Đăk Lăk hiện nay, phần lớn diện tích dưa hấu được trồng ở các xã Ea Wer, Ea Bar, Cư Knia, Krông Na... (Buôn Đôn), Ia Rve, Ea Rôk… (Ea Súp). Hàng năm vào mùa khô, sau khi thu hoạch lúa hè thu (tháng 11) thì nhiều diện tích đất lại bị bỏ hoang, đến sau Tết Nguyên Đán bà con mới bắt đầu tỉa bắp, trồng cây hoa màu.
|
Ảnh nông dân thu hoạch dưa hấu tại huyện Ea Súp với tâm trạng không vui |
Từ khi cây dưa hấu được người dân ngoại tỉnh đưa lên trồng trên vùng đất này, thì bà con bản địa mới biết đây là loại cây trồng “hái ra tiền”, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Trồng dưa hấu chỉ trồng trong thời gian 70 - 75 ngày đã cho thu hoạch, nhiều hộ dân từ đó trở nên giàu có.
Anh Huỳnh Văn Luật xã Krông Na (Buôn Đôn) cho biết năm trước anh trồng 5 sào dưa hấu, chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV, cây giống, công lao động, mỗi sào dưa hấu cho năng suất từ 4,5 - 5 tấn quả, với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi được 40 triệu đồng.
Tuy nhiên vụ dưa hấu năm nay, người dân chưa kịp vui mừng vì trúng mùa thì hàng trăm tấn dưa đang nằm chất đống mà không có thương nhân nào tìm đến thu mua như mọi năm. Do đó, bà con phải tự mang dưa đi khắp các nẻo đường liên xã, chợ huyện và ra tận khu vực TP. Buôn Ma Thuột để bán với giá “rẻ như bèo”, mong gỡ gạc phần nào số vốn bỏ ra đầu tư.
Nếu như niên vụ 2011, dưa được bán với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg tại ruộng, thì năm nay, một quả dưa căng bóng 12 - 15kg bán lẻ cũng chỉ khoảng 800 - 1.000 đồng/kg. Theo anh Trần Văn Ơn, người trồng dưa tại xã Ea Lê (Ea Súp) cho biết năm ngoái, các tư thương khắp nơi tìm về địa phương mua dưa rất đông với giá ổn định, nên năm nay bà con trong xã đua nhau trồng, nâng diện tích dưa hấu toàn xã lên tới gần 20 ha (tăng khoảng 30% so với năm ngoái). Nhiều hộ thậm chí còn đi vay nợ lãi ngân hàng để đầu tư, ấy vậy mà đến lúc thu hoạch thì chẳng có ai mua. Không ít hộ trồng dưa giờ đây đang lâm vào cảnh nợ nần chống chất, vì thua lỗ nặng nề.
|
Dưa hấu bán “rẽ như bèo” |
Nguyên nhân chính được xác định là do diện tích dưa hấu tại các huyện nói trên đang mỗi năm một tăng cao, người dân thì đổ xô trồng loại cây này, bất chấp sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương, từ đó gây ra hàng loạt mối lo về đầu ra cho sản phẩm từ loại cây trồng này.
Theo kế hoạch hàng năm của Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, diện tích dưa hấu sẽ giữ ở mức khoảng 150 ha, tuy nhiên đến nay đã vượt lên quá cao, dẫn đến nguy cơ trước mắt là phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng của huyện.
Đại diện phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết: hiện nay, địa phương đang khuyến cáo người dân nên đa dạng hóa các loại cây trồng, không mở rộng thêm diện tích dưa hấu, cần chú trọng phát triển một số cây trồng có hiệu quả kinh tế cao không kém và đầu ra ổn định hơn như cây bông vải, đậu,…
Ngoài ra, hiện nay việc thương lái đến mua dưa hấu tại 2 huyện trên đều là hình thức tự do, không có một đơn vị nào ký hợp đồng hay trợ giá thu mua sản phẩm cho người dân.
Trước đây, thông tin duy nhất mà bà con được biết là “thương lái ngoại tỉnh đến mua dưa hấu để xuất bán sang Trung Quốc”… Năm nay, nhiều người dân trồng dưa hấu tại đây cho biết dưa hấu ế hàng và rớt giá là do vụ thu hoạch dưa hấu năm nay rơi vào thời điểm tiết trời bên Trung Quốc trở lạnh, nhu cầu dưa hấu giảm trong khi đây là thị trường tiêu thụ chủ lực.
Thiết nghĩ, để chuyện “được mùa mất giá” không lặp lại bà con nông dân nơi đây cần rút kinh nghiệm từ câu chuyện về việc ồ ạt trồng sắn, ồ ạt không theo quy vừa mới diễn tại đây đã và đang để lại bài học đắt giá xuất phát từ việc người nông dân tự phát mở rộng diện tích, không theo quy hoạch, ham chút lợi ích trước mắt mà quên vấn đề chính là "đầu ra" ổn định cho sản phẩm.
Bá Thăng