Dự báo xuất khẩu gạo cả năm giảm còn 7,2 triệu tấn
Cập nhật lúc 09:39, Thứ ba, 24/09/2013 (GMT+7)
Tiếp theo việc hạ dự báo xuất khẩu trong quí 3, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ giảm xuống còn 7- 7,2 triệu tấn thay vì 7,5 triệu tấn như con số được hiệp hội đưa ra hồi đầu năm. (thu hoạch lúa, nông dân, Bộ Công thương, giá lúa, xuất khẩu gạo)
Tiếp theo việc hạ dự báo xuất khẩu trong quí 3, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ giảm xuống còn 7- 7,2 triệu tấn thay vì 7,5 triệu tấn như con số được hiệp hội đưa ra hồi đầu năm.
Trước đó, sau sơ kết xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm, VFA dự báo trong tháng 9 các doanh nghiệp sẽ chỉ xuất được 650.000 tấn, giảm 100.000 tấn so với kế hoạch. Xuất khẩu gạo trong quí 3 sẽ chỉ đạt 1,846 triệu tấn, giảm đến 230.000 tấn so với kế hoạch hồi đầu quí.
Trong 1 tuần lễ qua, giá chào gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam trên trang thông tin thị trường lúa gạo Oryza không ngừng “bám đáy” ở mức 360-370 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn giá chào gạo 5% tấm của Thái Lan và Ấn Độ 60 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn gạo Pakistan 30 đô la Mỹ/tấn, đặc biệt thấp hơn giá chào gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Campuchia, nước có khối lượng xuất khẩu trong 8 tháng tăng đến 170% so với cùng kỳ, đến 75 đô la Mỹ/tấn.
Giá chào xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp 25% tấm cách đây 2 ngày cũng đã giảm xuống dưới giá sàn xuất khẩu cho loại gạo này do VFA đưa ra hồi giữa tháng 7-2013 là 375 đô la Mỹ/tấn (giá FOB – giao hàng tại mạn) đến hơn 30 đô la Mỹ/tấn. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, niên vụ 2013-2014 của hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới là Việt Nam và Thái Lan đều được dự báo là những mùa bội thu. Trong đó, sản lượng của Thái Lan sẽ tăng khoảng 1 triệu tấn so với niên vụ trước, còn Việt Nam sẽ tăng khoảng 600.000 tấn.
Theo nhận định của ông Phạm Văn Bảy, nguồn cung thừa đang tác động tiêu cực đến các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn từ nay cho đến đầu năm 2014.
Ông cho biết trong lúc các chủng loại gạo trắng xuất khẩu chính của Việt Nam gặp khó khăn thì các loại gạo thơm lại bán đắt như tôm tươi. Các loại gạo thơm làm từ lúa jasmine, ST5, ST20 được bán với giá rất cao, có thể lên đến 900 đô la Mỹ/tấn, cao hơn 2,3 lần so với gạo trắng phẩm cấp cao 5% tấm. Các loại gạo bán “được giá” thì lại có nguồn cung rất hạn chế.
Tương tự, ông nói giống gạo Nhật japonica được một số doanh nghiệp trong nước lẫn liên doanh sản xuất với số lượng có hạn ở một số tỉnh như Long An, An Giang, rất được khách hàng Trung Quốc, đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, ưa chuộng. Mặc dù gạo thơm trong các cuộc họp tổng kết xuất khẩu gạo cuối năm 2011, 2012 đều được VFA nêu lên như những điển hình cần nhân rộng sản xuất, tạo nguồn cung cho xuất khẩu. Tuy nhiên việc mở rộng sản xuất các giống gạo chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu, theo đại diện hiệp hội là rất chậm. Và năm nay tình trạng loại gạo bán tốt thì nguồn cung ít lại tiếp tục diễn ra…
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, trả lời phỏng vấn bên lề một hội thảo gần đây, cũng cho biết không chỉ sản xuất lúa thường mà lúa thơm cũng lộ nhiều bất cập. Một số nơi người nông dân không đảm bảo kỹ thuật canh tác dẫn tới chất lượng không đảm bảo, bị pha tạp nên doanh nghiệp khó thu mua, xuất khẩu và người sản xuất phải chấp nhận bán với giá thấp.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay sắp tới sẽ rà soát để định hướng lại phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng căn cứ vào nhu cầu thị trường xuất khẩu, cập nhật bối cảnh thị trường. Đặc biệt hướng tới nâng cao kỹ thuật canh tác và kiểm soát tốt quy trình sản xuất.
Theo TBKTSG
.