Ngày 6/6, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM đã tổ chức cuộc họp thông báo: từ 14/6, vào các ngày thứ Sáu, Bảy, Chủ nhật hàng tuần, Ban ATGT TP tổ chức các điểm đổi nón bảo hiểm (NBH) có trợ giá trên địa bàn TP.

 


Chưa triển khai, cửa hàng đã vào “cuộc đua”

Theo Ban ATGT TP, tham gia chương trình đổi nón bảo hiểm (NBH) đạt chuẩn có trợ giá trong đợt này có tám doanh nghiệp (DN)với 69 kiểu nón. Trong đó, mỗi đơn vị có ít nhất từ ba kiểu sản phẩm trở lên để người tiêu dùng lựa chọn. Thủ tục đổi NBH rất đơn giản: người tiêu dùng chỉ cần mang NBH không đạt chất lượng đến năm địa điểm gồm: Văn phòng kết nối tình nguyện (5 Đinh Tiên Hoàng, P.ĐaKao, Q.1); Nhà Thiếu nhi Q.2 (200 Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Tây, Q.2); Nhà Thiếu nhi Q.9 (2/2B Lê Văn Việt, P.Hiệp Phú, Q.9); Nhà Thiếu nhi Q.Thủ Đức (238 Võ Văn Ngân, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức); Quận Đoàn Q.Bình Thạnh (114 Đinh Tiên Hoàng, P.1, Q.Bình Thạnh) sẽ được đổi. Hiện nay, có nhiều kiểu nón với giá dao động từ khoảng 120.000 - 500.000đ/chiếc. Sau khi được Nhà nước trợ giá, người tiêu dùng đổi nón sẽ phải bù thêm tiền từ khoảng 90.000 - 430.000đ/chiếc. Số lượng NBH đổi không giới hạn.

Điều đáng lưu ý, trong lúc chương trình dự kiến triển khai trong vòng một tuần nữa, thì nhiều đại lý, cửa hàng bán NBH đã bước vào cuộc đua “đổi nón” với giá khá hấp dẫn. Trên đường Lê Văn Lương (Q.7) hiện có không dưới chục điểm treo biển hiệu “đổi NBH”. Thủ tục đổi rất đơn giản, người tiêu dùng chỉ cần mang nón cũ đến đổi nón mới và bù thêm từ 59.000 - 100.000đ/chiếc. Tuy nhiên, tại một số cửa hàng, dù biển hiệu ghi mức giá đổi nón bù thêm từ 69.000 - 100.000đ/chiếc, nhưng khi chúng tôi “mặc cả” còn 40.000đ, chủ cửa hàng vẫn đồng ý ngay.

Tương tự, chạy dọc đường Lê Văn Lương đến địa phận huyện Nhà Bè, hàng chục điểm cũng treo biển “nón cũ đổi nón mới”. Theo ghi nhận của chúng tôi, NBH ở đây có dán đầy đủ tem đạt chuẩn nhưng phần lớn không ghi rõ tên DN, sản phẩm rất mỏng và nhẹ. Theo giải thích của người bán, phần lớn các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài về và của nhiều hãng nên… không cần ghi tên DN.

Kiểm tra không gắt, hiệu quả khó đảm bảo

Theo Ban ATGT TP.HCM, việc những đại lý, điểm bán nhỏ lẻ tổ chức đổi NBH, thực chất là người tiêu dùng đổi cũ lấy mới chứ không phải đổi nón dỏm lấy nón chất lượng. Đối với chương trình đổi NBH có trợ giá DN phải trải qua “sơ tuyển” rất gắt gao của các cơ quan chức năng để đảm bảo tất cả NBH người dân đổi phải đạt chất lượng. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng Ban ATGT TP.HCM: “Thực tế có rất nhiều DN muốn tham gia chương trình đổi NBH có trợ giá nhưng qua xem xét, chúng tôi đã loại ra nhiều DN do không đáp ứng được chất lượng NBH. Cuối cùng, Ban ATGT đã chọn tám DN tham gia. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thực hiện chương trình, chúng tôi sẽ kết hợp với các cơ quan có trách nhiệm giám sát, kiểm tra thường xuyên. Nếu phát hiện đơn vị nào “tuồn” NBH kém chất lượng ra đổi sẽ xử lý và loại ngay ra khỏi chương trình”.

Trong khi đó, nhận định về những cửa hàng tự tổ chức đổi NBH hiện nay, ông Lê Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công ty sản xuất NBH Ánh Tốc cảnh báo: “Nếu giá bù thêm để đổi nón chỉ vài chục nghìn đồng thì nhiều khả năng đều là hàng không đạt chất lượng. Có thể đây là “chiêu” của các đại lý, cửa hàng đang tìm cách đẩy hàng kém chất lượng ra thị trường. Vì vậy, người dân cần sáng suốt, tránh tình trạng nón cũ đổi nón dỏm lại còn bị mất thêm tiền”.

Ông Nguyễn Văn Bách - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Sắp tới, khi triển khai chương trình đổi NBH có trợ giá, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra các điểm bán NBH và cả những điểm đổi NBH mới cho người tiêu dùng. Nếu đơn vị kinh doanh đổi NBH mới đạt chất lượng và khách bù thêm mức giá hợp lý thì rất đáng hoan nghênh, nhưng nếu cơ sở nào lợi dụng chương trình để tiêu thụ NBH kém chất lượng sẽ bị xử lý nghiêm”.

 

Theo Phan Trí - Nguyễn Cẩm
Phụ Nữ TPHCM