Huyền không nghĩ loại dưa lê nhỏ mua ngoài chợ lại ngọt gắt ngoài sức tưởng tượng, nhưng chỉ sau vài tiếng thì cô bị đau bụng suốt 3 ngày.
Vào mùa hè, dưa lê là loại hoa quả phổ biến ở các chợ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Ngoài chợ, các tuyến đường từ sân bay Nội Bài đi huyện Sóc Sơn, dưa lê được nông dân hái bán ở lề đường.
Tại chợ đầu mối (quận Bắc Từ Liêm), dưa lê có kích cở nhỏ, vừa giá chỉ 3.000 đồng một kg, tuy nhiên đa phần những quả dưa da dẻ trơn bóng, bắt mắt này thực chất đều bị thối từ bên trong.
Thấy người mua nghi ngờ dưa “bẩn”, chủ hàng nhanh nhảu quảng cáo dưa “xịn”, ăn giòn và rất ngọt. Tuy nhiên, khi hỏi về nơi trồng, chủ hàng này ngần ngừ vài phút mới trả lời dưa được trồng ở tỉnh Hưng Yên. Thực chất những quả dưa lê “xịn” đều bị thối, rỉ nước.
Một người mua hàng tay thoăn thoắt cầm quả dưa lắc liên tục, thi thoảng mới chọn được trái dưa vừa ý. Theo bà, sỡ dĩ phải lắc mạnh trái dưa là vì để phân biệt dưa có bị thối hay không.
“Những quả dưa nhìn trơn chu, bắt mắt nhưng thực chất đã bị thối, chỉ cần lắc mạnh tay là biết, nếu nghe thấy tiếng xộc xệch, lỏng lẻo chứng tỏ dưa đã hỏng”, bà này tiết lộ.
Ham hố dưa lê giá rẻ, Huyền làm việc tại quận Cầu Giấy, mua tận mấy cân về ăn dần, tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng ăn dưa Huyền đã bị đau bụng, cơn đau kéo dài suốt 3 ngày liên tục khiến Huyền phải nghỉ làm để đi khám.
“Dưa trông nhỏ nhưng ăn ngọt gắt, không giống dưa mua ở quê. Để qua ngày, nhìn trái dưa vẫn bình thường nhưng khi bóp mạnh dưa bị phọt nước , bốc mùi hôi thối”, Huyền than.
Tại các chợ tạm hay quán cóc, dưa lê có giá đắt hơn từ từ 10.000 đồng tới 15.000 đồng. Trái dưa to và bắt mắt hơn, tuy nhiên, màu sắc lại bất thường, phần da có màu trắng ngà khắc hẳn với dưa được nông dân trồng, da có màu xanh nhạt pha chút vàng…
Theo chuyên gia, dưa lê phun, tiêm hóa chất không có mùi thơm nhẹ đặc trưng, lớp long măng bám trên vỏ không còn. Để dưa dễ bán, bảo quản được lâu nhiều thương lái sử dụng hóa chất để dưa trông tươi ngon, đẹp mắt. Ngoài ra, lớp vỏ trái dưa rất mỏng nên khi tiêm hóa chất dễ bị thẩm thấu vào phần thịt bên trong.
TS Nguyễn Thị Nhung, Viện Bảo vệ Thực vật cho biết, thực tế nhiều loại hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc chuyển về Việt Nam có sử dụng hóa chất độc hại. Hiện nay vẫn chưa có đủ chất chuẩn để thử, xác định đó là hóa chất gì. Thuốc bảo quản của Trung Quốc có cả chục loại không nhãn mác, không biết rõ có những chất gì.
Hoa quả mà có hóa chất thì thường có mùi hắc, khó chịu do khi phun thuốc xong, người ta chưa để thời gian cách ly đủ mà đã đem ra thị trường.
Theo VietQ