Bộ Công Thương đang đề xuất cho phép doanh nghiệp được giảm giá sản phẩm hơn mức 50% đang được quy định trong một số dịp như: tháng khuyến mãi, mùa mua sắm hàng năm; trong khuôn khổ các hội chợ, triển lãm; những đợt thanh lý hàng tồn kho hoặc thanh lý hàng khi doanh nghiệp dừng hoạt động...


Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy đã đến lúc cơ quan chức năng không cần quản lý tỷ lệ khuyến mãi này.

Thị trường đa dạng

Ở thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, thậm chí nhiều người có thu nhập giảm sút, các nhà bán lẻ phải liên tục tổ chức các chương trình khuyến mãi với rất nhiều hình thức, từ tặng quà, bốc thăm trúng thưởng đến giảm giá sản phẩm, dịch vụ. Riêng hình thức giảm giá có rất nhiều biến thể.

Chẳng hạn tại các siêu thị hàng tiêu dùng, ngoài các chương trình giảm giá thông thường (như giảm 10.000 đồng cho một gói bột giặt; hay giảm giá 30% cho chiếc chảo chống dính) còn có thêm hàng loạt ưu đãi nhằm thu hút khách. Như khách hàng có thẻ thành viên sẽ được giảm thêm vài ngàn đồng/món hàng khi tính tiền hoặc với hóa đơn từ 500.000 đồng sẽ được mua nước rửa chén, bột giặt, dầu ăn với giá chỉ bằng một phần năm, một phần bảy giá bình thường. Đến cuối năm, các thành viên còn được nhận quà tặng bằng phiếu mua hàng hoặc quà tặng trên số điểm tích lũy trong suốt quá trình mua sắm trong năm.

Các siêu thị điện máy thì áp dụng “chiêu” bán hàng “giá sốc” trong một khung giờ nhất định trong ngày đối với một số mặt hàng; mức giảm nhiều hơn mức 50% như quy định, thậm chí còn rẻ hơn giá mua vào.

Bên cạnh đó, một phương thức khuyến mãi khá phổ biến hiện nay là ngoài giảm giá trên giá sản phẩm, khách hàng khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng (thường là thẻ ghi nợ) sẽ được giảm thêm 10% trên tổng hóa đơn.

Đó là chưa kể các ưu đãi cộng thêm như gia tăng gấp đôi thời gian bảo hành; miễn phí lắp đặt...

Theo đại diện các nhà bán lẻ, sở dĩ họ phải áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi như vậy là vì người tiêu dùng ngày càng khó chiều chuộng hơn, họ đang tiết kiệm hơn và có nhiều kênh mua sắm hơn. Các nhà bán lẻ cũng đang phải cạnh tranh gay gắt vì khoảng cách về giá bán giữa các chuỗi cửa hàng ngày càng được xóa nhòa. Và khi các chương trình khuyến mãi diễn ra quanh năm cứ giông giống nhau, mỗi nhà bán lẻ cần có chương trình “đinh”, khác biệt để thu hút khách hàng. Một vị đại diện hệ thống bán hàng điện máy Thiên Hòa chia sẻ rằng một khi kéo được khách đến với cửa hàng rồi, đội ngũ nhân viên bán hàng sẽ tìm cách dẫn dắt khách sang nhiều mặt hàng khác.

Thực tế này cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng cũng như khả năng sáng tạo của doanh nghiệp là rất lớn, vượt qua hạn mức giảm giá tối đa không được vượt quá 50% giá hàng hóa dịch vụ mà điều 6, Nghị định 37/2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại 2005 đã quy định.

Trong khi đó, từ phía cơ quan chức năng, việc quản lý khuyến mãi trong nhiều năm qua gần như buông lơi. Trao đổi với TBKTSG, lãnh đạo cấp phòng thuộc một sở công thương phía Nam cho rằng với một thành phố lớn như TPHCM, mỗi năm có hàng trăm, hàng ngàn chương trình khuyến mãi, việc quản lý là gần như không thể vì thiếu nhân lực. Chỉ riêng việc ngồi đọc đăng ký khuyến mãi từ doanh nghiệp, so sánh đối chiếu mặt hàng, chủng loại là đã hết thời gian. Quan trọng hơn, trong thời gian qua, cơ quan quản lý chấp nhận “ngó lơ” cho các trường hợp khuyến mãi vượt trần quy định còn bởi doanh nghiệp đã quá khó khăn. “Siết lúc này là giết chết doanh nghiệp”, vị này thừa nhận.

Đã đến lúc bỏ hạn mức giảm giá

Trong một cuộc trao đổi với TBKTSG, ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc Công ty cổ phần Nội thất D’Furni, cho rằng việc khuyến mãi bao nhiêu, như thế nào là chuyện của từng doanh nghiệp; cơ quan quản lý nên để doanh nghiệp được tự do bán hàng. Theo ông Thập, với các doanh nghiệp bán lẻ, tỷ suất lợi nhuận thường cao, việc giảm giá hơn 50% so với giá trước thời điểm khuyến mãi thường là để giảm hàng tồn kho, thu hồi vốn... Điều đó là hoàn toàn bình thường, dễ hiểu và khả thi. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp tùy theo nhu cầu, khả năng tài chính và chiến lược riêng (như cần tiếp thị hình ảnh thương hiệu khi mới gia nhập thị trường) sẽ tự cân nhắc mà “liệu cơm gắp mắm”. Cơ quan quản lý không cần phải lo lắng rằng nếu không kiểm soát thì sẽ xảy ra tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” vì đã có Luật Cạnh tranh. “Khi doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối thị trường có hành động cạnh tranh không lành mạnh thì cơ quan quản lý phải vào cuộc”, ông Thập nói.

Vị lãnh đạo sở công thương nêu trên cũng đồng tình với việc cơ quan nhà nước không nên quản lý hình thức khuyến mãi bằng giảm giá mà hãy để doanh nghiệp tự quyết định, điều chỉnh theo thị trường, tầm nhìn và nhu cầu. “Tại nhiều cuộc họp với Bộ Công Thương, tôi đã đề xuất điều này. Chuyện lũng đoạn thì đã có Luật Cạnh tranh lo”, vị này nói.

Bà Võ Thị Lan Phương, một chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá tác động chính sách (RIA), nhìn nhận ở thời điểm 2005-2006, khi Luật Thương mại ra đời, quy định mức trần khuyến mãi không vượt quá 50% là phù hợp, bởi nó là công cụ “tiền kiểm” của các cơ quan nhà nước nhằm giảm thiểu tình trạng các doanh nghiệp có tiềm lực sử dụng các chương trình giảm giá như một công cụ để ngăn chặn hay loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên, tác động phụ phải chấp nhận khi ấy của quy định này là hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua hoạt động khuyến mãi. Nhưng đến nay, khi Việt Nam đã có hệ thống pháp luật về cạnh tranh, đã thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát các hành vi cạnh tranh... thì quy định hỗ trợ “tiền kiểm” không còn mang ý nghĩa quan trọng như tại thời điểm nó được ban hành.

Vì thế, theo bà Lan Phương, nếu thực sự Bộ Công Thương có đề xuất bỏ mức trần khuyến mãi 50%, bà hoàn toàn ủng hộ, bởi điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. “Tôi cho rằng việc dỡ bỏ quy định này cũng quan trọng như việc dỡ bỏ mức trần 15% đối với chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... trong Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2014. Đặc biệt, khi Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng hơn với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc dỡ bỏ các rào cản không cần thiết, chuẩn bị một hành lang pháp lý phù hợp giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, cạnh tranh tốt hơn, công bằng hơn với các doanh nghiệp trong khu vực càng mang nhiều ý nghĩa”, bà Phương nói.

Bà Lan Phương thậm chí cho rằng nên bỏ hẳn mức trần khuyến mãi 50% cho mọi trường hợp. Vì nếu chỉ dỡ bỏ trong một số trường hợp cụ thể thì doanh nghiệp vẫn mất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm tính cạnh tranh và sự linh hoạt trong quá trình ra quyết định kinh doanh. Cơ quan quản lý nhà nước cũng mất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc giảm giá nằm trong khuôn khổ các trường hợp được quy định. Điều quan trọng hơn, người tiêu dùng bị mất cơ hội được mua sản phẩm giá rẻ trong khi tác động tích cực của việc chỉ cho phép bỏ trần khuyến mãi trong một số trường hợp là chưa rõ.
 

Theo Minh Tâm (TBKTSG)
.