Bằng công nghệ “mông má” đặc biệt, rất nhiều quần áo sida trở thành “hàng hiệu xách tay” được bán với giá vài triệu đồng tại các shop thời trang lớn ở Sài Gòn.
 


Công nghệ lên đời

Chúng tôi theo bà H. đến sạp “hàng thùng” của bà Tám sida ở chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh. Vừa thấy bà H. đến, bà Tám đon đả ngay: “Có hàng xịn cho em nhé. Ba cái áo khoác jean Levi’s mới cứng. Hai đôi giày Nine West, toàn hàng Mỹ chứ không phải hàng Tàu đâu”. Bà H. bĩu môi: “Làm gì có hàng Mỹ thật!”. Bà Tám xởi lởi: “Vô tay em là nó thành thật hết thôi”. Bà H. gom nhanh mấy thứ đồ bà Tám cất riêng cho mình rồi nháy mắt chỉ tôi một vài người khách đang đứng lựa đồ. “Họ cũng như tui! Toàn dân dưới Q.1 lên lựa hàng đem về độn hàng hiệu để bán”. Cũng theo bà H., tất cả các chủ hàng sida ở Sài Gòn này đều có trong tay những số điện thoại của các chủ shop như bà. Khi chuẩn bị khui hàng là họ sẽ điện thoại hoặc nhắn tin và mỗi khi khui kiện sẽ là một cuộc giành giật để lấy hàng sida còn “cứng” đem về trộn vào hàng hiệu.

Tại khu vực đường Phạm Phú Thứ (Q.Tân Bình), nơi tập trung nhiều vựa hàng sida lớn, chúng tôi ghé vào hàng của bà Thu. Giữa cái nóng ngột ngạt, hàng chục người đứng chờ đợi trong căng thẳng. Khi chiếc dây gói kiện hàng vừa đứt ra, hơn chục con người nhào vào, vừa la hét, chen lấn và dang tay cố cào được đống đồ thật to về phía mình. Chưa đầy 30 giây, kiện đồ to đùng chỉ còn trơ lại nền nhà. Bà H. cười bảo: “Mình làm gì có đủ sức giành giật kiểu đó, bỏ ra 100.000 đồng tiền công là có người làm giùm hết!”. Nói rồi, bà đi nhanh đến chỗ hai người đàn ông xăm trổ, đưa mỗi người một tờ 50.000 đồng rồi ngồi xuống trước đống đồ nhàu nát. Sau gần một giờ lựa, soi từng đường kim mũi chỉ, từng cái nút áo, bà H. cho biết kinh nghiệm lựa đồ này ưu tiên hàng đầu là cái nhãn mác, sau đó mới bắt đầu ngồi xem chất liệu, đường may. “Cũ chút xíu cũng không sao, sẽ có cách làm cho nó mới, nhưng vải phải chất lượng và phải đúng hàng hiệu”.

Hơn hai tuần làm cho bà H., tôi đã có những kinh nghiệm chọn lựa đồ, lên đời hàng sida thành hàng hiệu với bốn món đồ hiệu sida được mua với giá 600.000 đồng. Việc đầu tiên là sẽ làm mới lại những món đồ này bằng một công nghệ giặt hấp hết sức đặc biệt tại lò giặt hấp BT trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình). Theo ông T. - chủ tiệm giặt hấp, muốn hàng thơm mùi như đồ mới thì phải có những chiêu đặc biệt. Như đồ jean phải có mùi của đồ jean, đồ lụa thì có mùi lụa... Nước xả đồ phải đặt mua hàng của Mỹ mới có mùi như hàng xách tay bên kia về. Thậm chí, phải có một vài lọ nước hoa xịn để xịt vào đó cho nó át đi mùi thuốc tẩy vốn rất đặc trưng của đồ sida. Trong bốn món đồ tôi chọn được, có một chiếc áo khoác jean hiệu Levi’s nhưng mác đã rất cũ, ông T. chỉ dẫn: “Ra chợ Kim Biên, mác rẻ như bèo mà y như thật”.

Trong vai người đi mua nhãn mác để về “mông má” lại hàng sida, tôi ghé một cửa hàng ở chợ Kim Biên, chủ sạp chuyên bán phụ liệu may mặc bày ra hàng trăm loại nhãn mác các thương hiệu, từ nhãn bằng da, bằng vải, bằng sắt... Như loại nhãn vải Levi’s, Gap, BeBe, Zara mỗi bao có 10 nhãn được bán với giá 20.000 đồng, nếu các logo bằng sắt thì giá mỗi cái 5.000 đồng. Bỏ ra 100.000 đồng xem như đã có cho mình một lô nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng. Cuối cùng, chỉ việc ghé tiệm may của bà L. ở hẻm 136 Lũy Bán Bích để nhờ bà may cho thật khéo cái nhãn Levi’s vừa mua ở chợ Kim Biên.

Với bốn món đồ sida sau khi được “mông má” ở các nơi, tôi đem gửi ở shop của bà H. và được bà tự tay ra giá bán từ 1,2-1,7 triệu đồng. Riêng chiếc áo khoác jean hiệu Levi’s ra giá 1,7 triệu đồng vừa treo lên nửa ngày đã có người mua ngay mà không có một chút ý kiến gì!
 

Theo Tuổi trẻ

.