Những ngày cuối năm, nhiều bà nội trợ thường có thói quen mua các loại chén, đĩa, ly… đẹp để đón Tết. Các loại sản phẩm làm bằng chất liệu gốm sứ được nhiều người ưa dùng.

 


Những ngày cuối năm, khi không khí mua sắm Tết bắt đầu nhộn nhịp, trên các tuyến đường Bacu, Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh và quanh một số chung cư ở TP. Vũng Tàu, nhiều quầy hàng gốm sứ “di động” bày bán với nhiều sản phẩm đẹp, lạ mắt. Những chiếc chén, đĩa với những mẫu hoa văn cổ, lạ, nước men sáng bóng, nhiều màu sắc… dễ “níu” chân khách ghé thăm.

Tại khu chung cư Chí Linh A (217 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) tầm18-22 giờ mỗi ngày, “quầy hàng di động” bày bán các sản phẩm gốm sứ trên vỉa hè nơi đây lúc nào cũng đông khách. Người lựa bộ bình trà, người xem ly, chén, đĩa... tạo nên không khí nhộn nhịp. Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ quầy cho biết, các sản phẩm gốm sứ của chị được nhập từ Campuchia, Nhật Bản, Đài Loan… với nhiều mặt hàng, đa dạng về mẫu mã và kiểu dáng, phục vụ nhu cầu của người mua. Điều đặc biệt là các loại sản phẩm gốm sứ này không bán theo chiếc, bộ mà bán theo ký. Khách muốn mua sản phẩm nào thì đặt lên bàn cân để tính tiền. Giá các mặt hàng được ấn định chung như: hàng gốm trắng không hoa văn giá từ 50.000-60.000 đồng/kg; loại ít hoa văn từ 70.000-80.000 đồng/kg; những loại có hoa văn đẹp giá từ 100.000-350.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Sinh, ở phòng 901 (Lô B, chung cư Chí Linh A), một người mê sưu tập đồ gốm sứ, cho biết: “Tối nào rảnh rỗi tôi thường tới các nơi bán sản phẩm gốm sứ để xem và mua. So với các loại gốm sứ trong nước, các sản phẩm từ nước ngoài thu hút người mua bởi lạ và “độc”, ít đụng hàng”.

Tại quầy bán đồ gốm sứ “di động” trên đường Lê Hồng Phong (đoạn ngã ba Thống Nhất mới - Lê Hồng Phong) các loại sản phẩm được trưng bày nhiều nhất là gốm sứ thủ công của Nhật và hàng gốm sứ Giang Tây (Trung Quốc). Anh Nguyễn Văn Hoạt, người nhiều năm sống bằng nghề buôn bán đồ sứ cho biết: “Thời gian gần đây, các món ăn của Nhật được nhiều người ưa chuộng nên các loại mặt hàng gốm sứ có xuất xứ từ Nhật cũng bán rất chạy. Mặt hàng gốm sứ này cũng được bán ký: đĩa đựng sushi giá từ 250.000-300.000 đồng/kg; chén đựng súp miso giá từ 150.000-250.000 đồng/kg, tô đựng mì udon giá từ 200.000-350.000 đồng/kg… Những chiếc đĩa, chén, ly nhỏ thường có trọng lượng từ 200-400 gr/chiếc; những sản phẩm khác như các loại đĩa lớn, bộ bình trà từ 1-3kg/bộ... tính ra tiền, giá không hề rẻ nhưng những người kinh doanh mặt hàng này cho biết rất đắt khách và khách hàng đã quen với giá cả rồi nên không kỳ kèo mặc cả.

Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý nhiều người tiêu dùng sính ngoại nên người bán thường quảng cáo là hàng nhập từ các nước như: Campuchia, Nhật Bản, Trung Quốc. Thực tế qua tìm hiểu của chúng tôi, các loại mặt hàng này hiện nay cũng “vàng thau lẫn lộn”, nhiều món hàng trong số đó là hàng trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng. Chị Dương Thùy Trang, ở 5G3 (khu Trung tâm thương mại, đường Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu), một người đam mê đồ gốm sứ và bán các loại mặt hàng này cho biết, không phải tất cả các loại mặt hàng gốm sứ đều có độ an toàn cao. Nếu khách hàng không cẩn thận, mua nhầm các sản phẩm tráng men chì, khi sử dụng sẽ bị nhiễm độc, ảnh hưởng tới sức khỏe. “Người tiêu dùng cần hạn chế mua các loại hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nên chọn những sản phẩm có màu men sáng bóng, tránh mua các sản phẩm có màu men xỉn, có những vết đen, đường vân rạn nứt”, chị Trang lưu ý.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.