(BVPL) - Năm 2013 là một trong những năm quyết định lòng tin của thị trường và của thế giới vào cải cách thể chế của Việt Nam.

 
Tướng Nguyễn Quốc Thước: Năm 2013 sẽ có nhiều thách thức đối với đất nước liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng. bên trong là nền kinh tế chưa vượt qua suy thoái, khủng hoảng; bên ngoài là những thế lực đang muốn bành trướng đe dọa đến chủ quyền nước ta, cụ thể là vấn đề Biển Đông.
 
Đối mặt với những thách thức này Đảng phải hết sức đồng lòng, gần gũi với nhân dân. Nếu trong nội bộ Đảng và quan hệ của Đảng với nhân dân có vấn đề thì tác động từ bên ngoài sẽ đến rất nhanh. Liên Xô sụp đổ là do nội bộ Đảng suy thoái, nhân dân mất niềm tin vào Đảng… Hiện nay Nghị quyết 4 như Hội nghị TW 6 phổ biến là chưa đạt yêu cầu.
 
Thay đổi mô hình chống tham nhũng là dấu hiệu tích cực, tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi hiện nay. Bởi như lãnh đạo ta đã xác định, không thể để bộ máy vừa quyền lực vừa giám sát quyền lực cùng một chỗ. Thay đổi là đúng! Nhưng Đảng có tổ chức được một bộ máy có quyền lực thật sự để giám sát tham nhũng lại là việc khác.
 
Sửa đổi Hiến pháp cũng là vấn đề lớn của năm 2013. Để tăng cường việc giám sát lãnh đạo và quản lý đất nước. Hiến pháp sửa đổi phải đảm bảo tất cả quyền lợi thuộc về nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.. Không thể để tình trạng một bộ phận không nhỏ quan, dân hư hỏng, mà đảng không nắm được kịp thời. Trên cơ sở điều 4 về đảng lãnh đạo, phải tăng cường vai trò giám sát của nhân dân.
 
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, theo tôi, phải được đẩy cao hơn nữa. Trong một nhà nước với cơ chế một đảng như của ta thì vai trò của các tổ chức độc lập là rất quan trọng. Không thể để tình trạng các tổ chức chính trị trở thành cái đuôi để điều hành.
 
Luật đất đai sửa đổi 2013 trong một nước có 80% dân số làm nông nghiệp như ở ta phải đảm bảo được lợi ích của đại bộ phận người dân. Thu hồi đất của dân để tạo ra sự phát triển công nghiệp là người bị thu hồi được hưởng lợi, không phải ở vài trăm triệu tiền đền bù mà phải trả lợi ích cho người dân. Một nước nông nghiệp đi lên công nghiệp hóa thì phải đảm bảo người nông dân được hưởng thụ sự phát triển đó. Đất đai của toàn dân nhưng hiện nay quyền sở hữu và lợi nhuận từ đất đai lại thuộc về nhóm lợi ích. Không xử lý tốt, quan hệ giữa chính quyền và nhân dân sẽ mất định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
2013: Thách thức lòng tin
 
TS Nguyễn Minh Phong: Năm 2012 là một trong những năm mà sau này cả thế giới và VN còn tiếp tục nhắc lại nó như là một trong những dấu ấn tối nhất trong những thập kỉ gần đây. Và điều này còn tiếp tục ít nhất trong nửa đầu 2013. Hi vọng đến nửa cuối 2013 sẽ có những dấu hiệu, ánh sáng tốt hơn.
 
 
Khó khăn tiếp tục gắn liền với sự suy giảm thị trường tiêu thụ, cùng với nó là những hàng rào kĩ thuật để hạn chế nhập khẩu thị trường trên thế giới. Khó khăn còn gắn liền với nợ công lẫn nợ tư, nợ của doanh nghiệp cũng như nợ của Chính phủ, nợ trong nước cũng như nợ nước ngoài. Nợ là một trong những căn bệnh mãn tính bao phủ toàn cầu, treo lơ lửng trên đầu của mỗi Chính phủ, mỗi doanh nghiệp. Không loại trừ bất kì một quốc gia nào, kể cả những nước phát triển như Mỹ, cũng như các nhà băng, ngân hàng có vài ba trăm năm lịch sử.
 
Một điểm nữa là gắn liền với áp lực, cũng là từ đó đẻ ra các chính sách an sinh xã hội với quy mô thất nghiệp khổng lồ. Từ khủng hoảng kinh tế chuyển sang bất ổn về xã hội, từ bất ổn xã hội chuyển sang bất ổn về chính trị, đòi hỏi phía Chính phủ phải thay đổi nhanh hơn, chịu trách nhiệm khi mắc khuyết điểm và cũng thấy khó khăn hơn trong việc tìm lối thoát.
 
Năm 2013 là một trong những năm quyết định lòng tin của thị trường và của thế giới vào cải cách thể chế của Việt Nam.
 
Việc bỏ phiếu tín nhiệm 49 chức danh do Quốc hội bầu vào tháng 5/2013 mà không thành công thì chắc chắn lòng tin sẽ nổi lên như một trong những khó khăn lớn nhất để phục hồi và phát triển kinh tế kể cả trong nước cũng như đối ngoại của Việt Nam.
 
Giáo dục: Đổi tư duy
 
Giáo sư Vũ Đức Vượng (GĐ chương trình Giáo dục Tổng quát, ĐH Hoa Sen, tp.HCM): Về giáo dục Việt Nam, tôi nghĩ nhận xét của tôi cũng không thể nào sâu sắc hơn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 14/12: “Nền kinh tế đang thiếu cả thầy cả thợ chứ không phải thừa thầy thiếu thợ. …  nếu tính số sinh viên trên 1 vạn dân thì năm 2011 Việt Nam mới có 250 sinh viên từ cao đẳng trở lên, trong khi tỷ lệ của Thái Lan từ năm 2005 là 374, Hàn Quốc 674, Nhật Bản 316, Pháp 359, Anh 380, Úc 504, Hungary 432, Chile 407...”
 
Chỉ tiếc là Việt Nam ta đã mất một cơ hội hiếm có, từ khi thống nhất đất nước, để cải thiện giáo dục của ta cho con em ta bắt kịp thế giới. 
 
Những con số Thủ tướng vừa đưa ra đã nói rõ là nước ta đã đánh mất 37 năm sau chiến tranh, và ngày nay giáo dục cho con em chúng ta đang tụt hậu nghiêm trọng.
 
Cũng trong thời gian 37 năm tương tự, từ 1868 đến 1905, triều đại Minh Trị đã đưa nước Nhật từ một nước lạc hậu không khác gì Việt Nam và Trung quốc ở thế kỷ XIX thành một nước đủ mạnh để đánh bại hải quân Nga, rồi sau đó trở nên một cường quốc ngang hàng với Âu châu và Mỹ châu, về cả kinh tế lẫn quân sự.
 
Nhiều điểm phải sửa ngay trong hệ thống giáo dục Việt Nam: như cải thiện chính sách, vị thế người thầy; kiến trúc lại hệ thống giáo dục phổ thông; chấm dứt bệnh thành tích; thay đổi hệ thống, cách làm sách giáo khoa, v.v… Và một điểm quan trọng là tham nhũng.
 
Tuy nhiên, điều này cũng chưa đủ.  Khác với các lĩnh vực công nghệ, xây dựng hoặc canh nông… căn bản của giáo dục là tư duy.  Từ hơn 2,000 năm nay, chúng ta đã bắt chước hoàn toàn lối học từ chương của Trung quốc, và làm hỏng hết trí sáng tạo, tư duy độc lập và cái văn hóa bình đẳng giới của người Việt từ xa xưa. Trong khi đó, chỉ từ năm thế kỷ vừa qua, người phương Tây đã liên tục phát minh những sáng tạo mới về mọi ngành và dựa vào đó, họ đã thống trị hầu như khắp mặt đất.
 
Theo Vietnamnet.vn
.