Theo văn bản, trước những khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, đặc biệt là kinh tế báo chí đang trên đà tụt dốc khi độc giả từ bỏ báo in chuyển dần sang báo điện tử. Bên cạnh đó, sự xuất hiện nhiều của nền tảng quảng cáo mới dẫn đến kinh tế báo chí ngày càng khó khăn hơn.
Trước đây, nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì ổn định bộ máy tổ chức và đảm bảo nguồn chi trả lương cho đội ngũ nhân viên an tâm công tác, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 150/2010/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí.
Tại mục c khoản 2 Điều 2, Thông tư 150/2010/TT-BTC quy định rõ một số chi phí của báo, trong đó: “Chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của Báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp”.
|
|
Đề nghị có quy định riêng để gỡ vướng về thuế, thu nhập cho người làm báo. (Ảnh minh hoạ) |
Quy định trên đã giúp các cơ quan báo phản ánh đúng các khoản chi phí, dùng thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu nhập cho lực lượng phóng viên, người lao động. Tuy nhiên, từ ngày 3/4/2023, Thông tư 150/2010/TT-BTC bị bãi bỏ bởi Thông tư 19/2023/TT-BTC nên hiện tại các cơ quan báo chí chưa biết phải thực hiện theo quy định nào.
Hiện một số cơ quan báo chí tự chủ về tài chính, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp giống như doanh nghiệp song vẫn là các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập nên bị chi phối bởi các quy định về nhóm này. Do đó, nếu chi phí tiền lương của báo chí áp dụng theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, dẫn đến thu thập trước thuế của các đơn vị báo chí tăng và phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với các doanh nghiệp có cùng mức doanh thu, trong khi các doanh nghiệp vẫn được khấu trừ hết toàn bộ tiền lương thực trả vào chi phí hằng năm trước khi nộp thuế.
“Đây là bất cập lớn nhất đối với cơ quan báo chí trên cả nước, đặc biệt trong tình hình kinh tế báo chí đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, nguồn thu lao dốc. Nếu chỉ được phép tính chi phí lương theo hệ số như đơn vị sự nghiệp công lập mà không được trả thêm thu nhập theo năng suất thì thu nhập của toàn bộ người lao động giảm mạnh”, văn bản nêu rõ.
Để tháo gỡ cho các cơ quan báo chí, trước những thách thức và khó khăn hiện nay, Báo Thanh Niên mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông sớm đề nghị Bộ Tài chính xem xét quy định dành riêng cho cơ quan báo chí sau khi bãi bỏ Thông tư 150/TT/2010/TT-BTC ngày 27/9/2010. Cụ thể, Báo Thanh Niên đề xuất quy định rõ "Chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp”./.