Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề nuôi nghêu ở vùng biển Gò Công đã có những bước phát triển nhảy vọt, góp phần cải thiện đời sống ngư dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn ven biển.

 

Tuy nhiên, những năm gần đây nghề nuôi nghêu ở đây ngày càng đối diện với nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, giá cả... và có dấu hiệu chững lại về diện tích, sản lượng nghêu nuôi.

Giai đoạn phát triển nhanh

Giai đoạn năm 2000 - 2001, nghề nuôi nghêu ở Tiền Giang bước vào giai đoạn phát triển ổn định với diện tích 1.800 ha, sản lượng 16.000 tấn nhưng giá nghêu lúc này chỉ ở mức 1.800 - 2.000 đồng/kg (loại nghêu cỡ 40 - 60 con/kg).

Vào năm 2005, diện tích nuôi nghêu toàn tỉnh tăng lên 2.150 ha, nhưng nguồn nghêu giống thả nuôi khan hiếm khiến sản lượng nghêu giảm 50%, giá nghêu bắt tại bãi tăng lên 9.000 - 10.000 đồng/kg (cao hơn 5 lần so với năm 2001) nên người nuôi nghêu thời điểm này có thể thu lãi gấp 10 lần so với vốn đầu tư. Thậm chí trong năm 2012, có thời điểm giá nghêu bắt tại bãi lên tới 32.000 - 36.000 đồng/kg.

Nghề nuôi nghêu ở vùng biển Gò Công có những bước phát triển nhanh như vậy là nhờ diện tích xuất hiện nghêu giống tự nhiên khá lớn, có năm diện tích xuất hiện giống tự nhiên đạt tới 180 ha, tập trung ở Cồn Ông Mão, Cồn Vạn Liễu và Cồn Ngang.

Năm 2012, sản lượng nghêu giống thu hoạch được gần 4 tấn, với cỡ nghêu giống từ 1 - 3 triệu con/kg. Kéo theo sự xuất hiện nghêu giống tự nhiên là sự phát triển nghề ương nghêu. Năm 2008, chỉ có vài cơ sở ương nghêu giống nhưng vào năm 2012 đã phát triển lên hơn 80 cơ sở ương nghêu giống từ nguồn nghêu tự nhiên (ương nghêu lên cỡ 500.000 - 800.000 con/kg), giúp chủ động được nguồn nghêu giống tại chỗ.

Mặt khác, năm 2008, Trung tâm giống Thủy sản đã tiếp nhận thành công quy trình sinh sản nhân tạo nghêu giống và chuyển giao lại cho nông dân có nhu cầu sản xuất nghêu giống trên địa bàn tỉnh. Vào năm 2012, trên địa bàn đã có 6 cơ sở sản xuất nghêu giống, bước đầu đã sản xuất được trên 30 triệu giống/năm, phần nào giảm được áp lực khai thác giống tự nhiên. Hơn nữa, thương hiệu nghêu Gò Công được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến và đánh giá tốt.

Nuôi nghêu cũng là một trong những lợi thế quan trọng của tỉnh với diện tích nuôi đạt 2.300 ha (tập trung chủ yếu ở khu vực biển Tân Thành), chỉ đứng sau Bến Tre về diện tích nuôi trong khu vực ĐBSCL. Hàng năm, vùng nuôi nghêu này cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường xuất khẩu lên đến 17.000 tấn nghêu thương phẩm, góp phần đem lại hàng triệu USD cho đất nước.

Ngày càng nhiều khó khăn

Gần đây, khi mô hình nuôi nghêu thương phẩm phát triển mạnh, trong khi chưa có quy hoạch phát triển nuôi nghêu chung cho cả nước theo điều kiện tự nhiên, nhu cầu thị trường nên có thời điểm đã xảy ra tình trạng nghêu thương phẩm dư thừa cục bộ tại một số địa phương, dẫn đến tình trạng bán tháo với giá thấp, làm giảm mặt bằng giá nghêu thương phẩm chung.

Cụ thể, nếu như giá nghêu thương phẩm tại Tiền Giang trong năm 2011 - 2012 dao động ở mức 27.000 - 35.000 đồng/kg thì hiện nay giá nghêu chỉ nằm ở mức 17.000 - 20.000 đồng/kg (loại 40 - 70 con/kg).

Mặt khác, trong năm 2013 - 2014 có sự cạnh tranh của nghêu giống được sản xuất từ Trung Quốc với giá bán thấp hơn rất nhiều so với nghêu giống sản xuất trong nước. Điều này dẫn đến tình trạng các cơ sở sản xuất, ương dưỡng nghêu giống trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có cơ sở sản xuất nghêu giống bỏ nghề do giá nghêu giống sụt giảm, hoạt động sản xuất không có hiệu quả.

Đáng lo ngại hơn, tình hình dịch bệnh trên nghêu ngày càng diễn biến phức tạp, nghêu chết nhiều, thậm chí có hộ nuôi nghêu bị thiệt hại gần như hoàn toàn, gây khó khăn cho người nuôi nghêu. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2010 nghêu chết trên diện tích là 918,37 ha, sản lượng thiệt hại 12.581 tấn.

Năm 2011, nghêu chết trên diện tích 1.195 ha, tỷ lệ nghêu chết bình quân 81,9%, sản lượng thiệt hại 10.578,4 tấn, giá trị thiệt hại 220 tỷ đồng. Năm 2013, toàn tỉnh có 1.508 ha nghêu bị thiệt hại với tỷ lệ nghêu chết từ 50 - 100%, sản lượng thiệt hại 15.000 tấn, giá trị thiệt hại 259 tỷ đồng.

Những năm gần đây (trừ năm 2013 - 2014), giá nghêu giống tăng cao, có lúc lên đến 15 triệu đồng/kg (cỡ 1 triệu con/kg) do nhiều địa phương ven biển trong cả nước mở rộng nuôi nghêu thương phẩm, trong khi nguồn giống tự nhiên ngày càng khan hiếm.

Chính vì vậy, chi phí đầu tư nuôi nghêu cũng tăng theo thời gian, lợi nhuận trên vốn đầu tư theo đó cũng dần giảm lại. Chính vì vậy, khoảng 5 năm gần đây diện tích nuôi nghêu toàn tỉnh gần như không tăng mà chỉ ở mức 2.150 ha.

Để “vực dậy” nghề nuôi nghêu

Dù vậy, nhiều nông dân nuôi nghêu vẫn khẳng định nếu không có tình trạng nghêu chết hàng loạt như những năm gần đây thì nuôi nghêu có hiệu quả rất cao mà không có loài thủy sản nuôi nào bằng.

Theo tính toán của nông dân nuôi nghêu Gò Công, hiện nay vốn đầu tư nuôi 1 ha nghêu từ 120 - 150 triệu đồng (tùy theo mật độ thả giống). Năng suất bình quân nghêu từ 15 - 20 tấn/ha, với giá nghêu bình quân 20.000 đồng/kg thì doanh thu từ 1 ha nghêu là 300 - 400 triệu đồng. Như vậy, sau khi trừ chi phí thì người nuôi nghêu vẫn còn lãi từ 200 - 250 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư là 1,5.

Thiết nghĩ để nghề nuôi nghêu phát triển bền vững, về phía Trung ương cần có quy hoạch phát triển nuôi và chế biến nghêu cả nước dựa trên các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội… và dự báo thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở đó, các địa phương triển khai quy hoạch nuôi nghêu theo điều kiện thực tế của mình để tránh tình trạng phát triển tràn lan, dẫn đến tình trạng “dội chợ, rớt giá”.

Đồng thời, cần phải thay đổi tư duy, đầu tư tái tạo lại cho con nghêu từ việc rà soát lại quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ nguồn nghêu giống tự nhiên, hoàn thiện quy trình sản xuất nghêu giống để hạ giá thành, nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cho đến chế biến xuất khẩu một cách bài bản.

Trước mắt, phải tập trung nghiên cứu, sớm tìm ra tác nhân gây chết nghêu trong những năm qua để có biện pháp phòng tránh, giúp người nuôi nghêu yên tâm sản xuất.

Về phía tỉnh, cần xác định rõ con nghêu Gò Công là đối tượng nuôi chủ lực ở vùng biển Gò Công, có hiệu quả kinh tế cao để từ đó các ban, ngành liên quan tập trung cho việc quản lý cũng như đầu tư phát triển.

 

Theo Báo Ấp Bắc

.