    |
 |
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở bán thuốc, thực phẩm chức năng nhằm phát hiện, xử lý vi phạm. Ảnh: QLTT |
Trong tháng 4/2025, lực lượng chức năng đã triệt phá 4 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa, thuốc tân dược và thực phẩm chức năng với quy mô lớn, doanh thu hàng trăm tỉ đồng và diễn ra trong nhiều năm.
Trước tình hình trên, ngày 2/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 55/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Theo đó, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, bảo đảm sự an toàn và quyền lợi cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản nêu trên.
Là một trong những cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cho biết đã có Công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Xây dựng kế hoạch hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, hậu kiểm việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (trên báo, đài và internet); cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ.
Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND các tỉnh về công tác phòng, chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật khác.
Đối với mặt hàng sữa, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ; số tiền xử phạt 2,2 tỉ đồng; số lượng hàng hóa vi phạm 58.187 hộp, 451 thùng, 20.394 chai/lon. Đối với mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, đã kiểm tra, xử lý 985 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính gần 32 tỉ đồng...
    |
 |
Vụ kinh doanh thực phẩm chức năng không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại Bắc Ninh số lượng lớn vừa bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: QLTT |
Ông Đỗ Văn Tính, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lai Châu cho biết, trước thông tin về tình trạng sữa giả tràn lan trên cả nước, Chi cục đã chủ động tăng cường nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch và triển khai các đợt kiểm tra, kiểm soát đột xuất và định kỳ. Qua quá trình kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh mặt hàng sữa tại các cơ sở phân phối, đại lý sữa, cửa hàng chuyên sữa, siêu thị, cửa hàng tạp hóa có kinh doanh sản phẩm sữa trên địa bàn, một số trường hợp kinh doanh sữa hết hạn sử dụng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật.
Còn tại Thanh Hóa, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa và Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tiến hành rà soát, giám sát đối với các cơ sở kinh doanh dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm sữa trên địa bàn tỉnh. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng là hàng giả theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường Chi cục QLTT Thanh Hóa chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, thực hiện ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh về không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. Đây cũng là giải pháp nâng cao ý thức kinh doanh, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tại Quảng Ninh, ngay sau khi xuất hiện thông tin về hàng giả trên thị trường, lực lượng QLTT đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm tra diện rộng tại các điểm kinh doanh có dấu hiệu vi phạm. Đơn vị đã phát hiện 2 vụ vi phạm liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sữa, trong đó có những thương hiệu được tiêu thụ phổ biến trên thị trường. Đơn vị đã thành lập 4 tổ công tác thường trực 24/24h, liên tục kiểm tra, kiểm soát tại các điểm nóng và các cơ sở kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng.
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp sữa bột giả nào được phát hiện lưu hành trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục duy trì giám sát thường xuyên, không lơ là, chủ quan.
Trong thời gian tới, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, tăng cường kiểm tra đột xuất, mở rộng giám sát tại các kênh phân phối mới như thương mại điện tử, bán hàng online… nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và giữ vững ổn định thị trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức ký cam kết với các cửa hàng kinh doanh, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi như buôn bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định ghi nhãn, hàng nhập lậu…