Thống kê của Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT), tỷ lệ đấu thầu qua mạng tại Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, e-GP (http://muasamcong.mpi. gov.vn) trong năm 2017 đã tăng gấp đôi so với năm 2016 với số lượng là 8.200 gói. Số lượng gói thầu hàng hóa chiếm 64%, xây lắp 26%, phi tư vấn 10%. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đảm bảo chỉ tiêu về đấu thầu quốc gia trong năm 2017 theo lộ trình gồm Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, EVN, VNPT… TP Hà Nội và Đà Nẵng cũng là các điểm sáng trong khối các tỉnh, TP về số lượng gói thầu đấu thầu điện tử (241 gói).

Đấu thầu qua mạng đạt tỷ lệ tiết kiệm 9 - 10% trong chi tiêu công. Đáng chú ý, trong năm 2017 có khoảng 330 gói thầu đấu thầu điện tử của EVN đạt tỷ lệ tiết kiệm trên 30%. Có những gói thầu thu hút đông nhà thầu tham gia, nhiều nhất có đến 19 nhà thầu, trong khi tính trung bình giai đoạn trước chỉ 2,6 nhà thầu/gói thầu. “Đấu thầu qua mạng giúp bên mời thầu giảm thiểu được giấy tờ lưu trữ vì các văn bản được lưu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và có thể dễ dàng trích xuất lại trong quá trình kiểm tra, thanh tra. Mặt khác, với sự công khai trong mời thầu, mở thầu, nộp hồ sơ dự thầu sẽ giúp các gói thầu đấu thầu điện tử tăng tính minh bạch. Các gói thầu đấu thầu điện tử cũng có nhiều nhà thầu tham dự hơn, tăng khả năng cạnh tranh trong đấu thầu vì không chỉ có nhà thầu bản địa mà còn có nhà thầu ở trong ngoài nước tham gia nộp hồ sơ” - bà Nguyễn Thu Hiền - Trưởng ban Đấu thầu thuộc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội chia sẻ.

Theo TS. Võ Trí Thành, đấu thầu qua mạng sẽ triệt tiêu được  vấn nạn đấu thầu “tù mù” hay lợi dụng việc “quân xanh, quân đỏ” để trúng thầu. Nếu làm tốt sẽ tiết kiệm được cho chi phí xã hội, như vậy mới thu hút được nhà đầu tư.

leftcenterrightdel
Phần hướng dẫn đấu thầu trên trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Mặc dù có những chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ đấu thầu qua mạng trong năm 2017 mới chiếm khoảng 11% các gói thầu thuộc phạm vi áp dụng theo lộ trình. Thế nên, kế hoạch năm 2018 đặt ra là thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 30% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.

Đơn cử, trong năm 2017, Chính phủ yêu cầu áp dụng phương pháp đấu thầu thuốc tập trung, nghĩa là tới đây, cùng một loại thuốc trên một địa bàn sẽ chỉ có một giá. Bệnh nhân sẽ mua được thuốc với giá tốt hơn vì đấu thầu mua với số lượng lớn, thì giá chắc chắn rẻ hơn. Tại Hà Nội, kế hoạch hành động định kỳ 5 năm về đấu thầu qua mạng giai đoạn 2017 - 2021 của UBND TP yêu cầu đấu thầu qua mạng tối thiểu 50% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, đảm bảo 100% đơn vị trực thuộc đăng ký tham gia và được cấp Chứng thư số trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Cuối tháng 11/2017, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng. Cùng với đó là Chỉ thị số 47/CT-TTg chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiêm túc thực hiện lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng theo Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2025; tuyệt đối không cho phép chỉ định thầu với những gói thầu không đủ điều kiện.

Theo ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, việc thành lập Ban Chỉ đạo được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển trong triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng giai đoạn 2016 - 2025. Để mở rộng phạm vi áp dụng, Cục Quản lý đấu thầu đang phối hợp với WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm đẩy mạnh mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung qua mạng; Triển khai tiện ích cung cấp thông tin đấu thầu trên thiết bị di động; Áp dụng đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA, tài trợ của ADB/WB.

Thanh Trà