Ngay từ thời điểm bắt đầu thu hoạch vụ ĐX 2013, giá đậu phộng (lạc) ở Bình Định đã bị giảm đến 3.000-4.000đ/kg so với năm 2012. Càng thu hoạch rộ, giá đậu phộng càng tuột sâu, hiện chỉ còn 17.000-18.000đ/kg. Đã rẻ, nhưng muốn bán cũng chẳng có người mua. Người trồng đậu phộng ở Bình Định đang nẫu ruột ôm đậu phộng ế.
Mặc dù vụ ĐX vừa qua phải đối mặt với hạn hán gay gắt, thế nhưng người trồng đậu phộng ở Bình Định đã linh động khai thác nguồn nước ngầm đưa cây đậu phộng vượt hạn. Ngoài ra, nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới, năng suất cây đậu phộng được nâng cao. Đặc biệt tại Phù Cát, năng suất đậu phộng bình quân đạt 34 tạ/ha, riêng 200 ha diện tích đậu phộng SX trong những cánh đồng mẫu lớn đạt gần 40 tạ/ha. Tuy được mùa là vậy nhưng người trồng đậu phộng ở Bình Định chẳng vui tí nào, bởi giá bán tuột thấp thảm hại, thậm chí tư thương chẳng thèm ngó ngàng. Ông Lương Văn Khoa, CB Trạm Khuyến nông huyện Phù Cát, cho biết: “Vụ ĐX năm trước, giá đậu phộng dao động từ 22.000-27.000đ/kg, sau mùa thu hoạch nông dân vui như mở hội. Năm nay, mới đầu vụ giá đậu đã giảm từ 27.000đ/kg xuống còn 22.000-23.000đ/kg. Bà con vừa thu hoạch vừa lo lắng giá sẽ còn xuống thấp khi thu hoạch rộ.
Quả không sai, hiện giá đậu phộng chỉ còn 16.000-18.000đ/kg. Không chỉ vậy, không khí thu mua cũng rất hiu hắt. Đậu phộng chất đầy nhà, nhưng bà con ngóng đến mỏi mắt cũng chẳng thấy bóng dáng tư thương ghé vào hỏi mua.
Hạt đậu oằn lưng gánh chi phí
Do năm nay hạn hán gay gắt nên những diện tích trồng đậu phộng trên địa bàn Bình Định phải tốn rất nhiều chi phí trong việc tạo nguồn nước tưới. Ông Hà Văn Định ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp (Phù Cát), người làm 24 sào đậu phộng trong vụ ĐX vừa qua, cho biết: “Chưa năm nào cây đậu phộng ở xã Cát Hiệp phải gánh chi phí về nước tưới nặng nề như vụ ĐX vừa qua. Hầu hết diện tích trồng đậu phộng ở đây đều trông vào nguồn nước ngầm, trong khi để tạo được nguồn nước ngầm trên địa bàn này là không dễ. Nhiều vùng đóng giếng sâu đến vài ba chục mét cũng không có nước. Có vùng mới đóng xuống 7m đã gặp tầng đất cao lanh, phải đâm ngang mới mong có nước.
Đóng giếng, mỗi mét sâu nông dân phải trả đến 2 triệu đồng”. Đó là chưa kể đến công đào ao, vét mương, nâng giếng để bơm tát và mua sắm hệ thống ống nhựa nối kéo đi xa để kiếm tìm nguồn nước tưới cho cây đậu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là giữa đến cuối vụ. Ông Đặng Văn Hồng ở thôn Vạn Lương (xã Mỹ Châu-Phù Mỹ), than thở: “Trong suốt vụ SX, tui phải thường xuyên theo nước tưới cho cây đậu. Đến thời điểm nhổ đậu, dù có khó mấy tui cũng phải tìm nguồn nước tưới cho đất đủ ẩm để dễ nhổ. Chứ đất cứng, tốn công đào, công cuốc biết đến chừng nào mới thu hoạch xong”.
Theo ông Ngô Đình Ba - Phó trưởng phòng NN và PTNT huyện Phù Mỹ, trong vụ ĐX vừa qua huyện này trồng được 2.308 ha đậu phộng, hiện đã thu hoạch hoàn tất, năng suất bình quân đạt 29 tạ/ha, có tăng hơn vụ ĐX năm trước. Tuy nhiên, do giá giảm quá sâu đến mức thấp chưa từng có trong nhiều năm qua, trong khi đó chi phí tăng cao lại tiêu thụ không được nên người trồng đậu đang lâm cảnh khó khăn. Nông dân Nguyễn Thị Thanh ở thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong (Phù Mỹ) tâm sự: “Tui mới chở đậu ra chợ Bình Dương bán. Ngóng mỏi cổ từ sáng đến trưa mới có vài người đến trả mua, nhưng giá chỉ 16.000đ/kg, đành chở về chứ bán giá đó thì lỗ chỏng gọng”.
Rồi chị Thanh tính toán: “Năm trước, giá đậu dao động ở mức từ 22.000-27.000đ/kg, người trồng đậu phộng có lãi gấp 5 lần so với làm lúa. Năm nay, bán với giá 16.000đ/kg, mỗi sào bình quân thu được 145 kg thì người trồng đậu phộng chỉ lãi được 2,3 triệu đồng/sào, tăng hơn 600.000đ so với làm 1 sào lúa. Trong khi đó, canh tác cây đậu phộng tốn công sức gấp mấy lần so với làm lúa, kể như huề vốn”.
Box: “Đậu phộng ế ẩm suốt mấy tháng nay, hiện tình hình vẫn chưa được cải thiện. Với diện tích 3.000 ha, năng suất bình quân đạt 34 tạ/ha, hiện nông dân huyện Phù Cát đang tồn đọng đến hàng nghìn tấn đậu. Nếu đậu ế dài dài, sản phẩm tồn đọng dồn dập thì nông dân chỉ biết “khóc” với cây đậu”, ông Phan Sĩ Hùng, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát.
Theo Vũ Đình Thung
Nông nghiệp Việt Nam